Nhìn lại hiệu quả của các nhóm ngành quý I/2010
Thế giới: Trong quý I, ngoại trừ châu Âu, TTCK tại các nền kinh tế chủ chốt đều tăng trưởng tích cực, đạt xấp xỉ 4%, trong đó thị trường đang phát triển tăng mạnh nhất (3,95%).
Trong thời gian này, nhóm ngành mang tính chất chu kỳ (cyclical stocks) nhìn chung tăng trưởng cao hơn nhóm ngành "phòng thủ" (defensive stocks); có nghĩa là NĐT kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường tài chính nói riêng năm 2010.
Việt Nam: Trong quý I, VN-Index đã đi ngược lại với xu hướng của TTCK thế giới với mức giảm 3,44%; tuy nhiên, mức độ biến động giữa các ngành tương đối lớn (bảng 1).
Bảng 1: Khả năng tăng trưởng của các nhóm ngành so với VN-Index
Nhìn chung trong quý I, yếu tố DN và yếu tố ngành không được NĐT chú ý nhiều, ngay cả khi báo cáo tài chính năm 2009 được công bố. Quan sát các công ty trong từng nhóm ngành, chúng tôi nhận thấy mức độ tăng giảm quanh mức trung bình rất cao và xu hướng nhìn chung không rõ ràng. Các nhóm ngành mang tính chất chu kỳ như nguyên vật liệu, công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng đều tăng trưởng thấp hơn VN-Index; trong khi một số nhóm ngành "phòng thủ" như y tế, hàng tiêu dùng lại tăng trưởng tương đối tốt.
Trong khi nhóm ngành tài chính tăng trưởng khá, cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng thấp hơn VN-Index thể hiện đúng tâm lý lo ngại của NĐT khi tăng trưởng tín dụng quý I ở mức thấp.
Bảng 2: Khả năng tăng trưởng của các nhóm ngành so với VN-Index
Chiến lược phân bổ ngành quý II/2010
Các yếu tố vĩ mô: Sau thời gian dài thắt chặt từ cuối năm 2009 đến hết quý I/2010, theo chúng tôi, chính sách tiền tệ sẽ dần được nới lỏng trong quý II/2010 do một số nguyên nhân sau:
- Từ sau tháng 3, áp lực lạm phát đã giảm đi đáng kể. Chúng tôi dự đoán, lạm phát trung bình các tháng trong quý II sẽ dừng ở mức 0,5%;
- Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,81%, thấp hơn so với trung bình quý I của 10 năm gần đây (7%). Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nhanh chóng bơm tiền trở lại, kích thích tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu GDP quý II khoảng 6%;
- Trong quý I, tăng trưởng tín dụng rất thấp (3,41%), chỉ bằng khoảng 35% năm 2009 và kém xa chỉ tiêu 25% đề ra cho năm 2010. Do quý IV tương đối nhạy cảm với tình hình lạm phát, nên để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ ưu tiên cho quý II và III;
- Trong 2 tuần đầu tháng 4, đã xuất hiện những nỗ lực từ phía các ngân hàng nhằm hạ mặt bằng lãi suất trên thị trường (còn khoảng 14%);
- Kinh tế thế giới đang phục hồi vững chắc; thị trường xuất khẩu của Việt Nam và FDI dự kiến sẽ được hỗ trợ tích cực.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được kiểm soát chặt chẽ và khó có khả năng bùng nổ như cùng kỳ năm 2009 do những nguyên nhân sau:
- Mặc dù kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, nhưng tăng trưởng vẫn chưa thực sự vững chắc. Lạm phát cao có khả năng quay trở lại khi nền kinh tế thế giới phục hồi và giá nguyên liệu tăng cao. Việc tăng lương cơ bản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2010 có khả năng tạo nên mặt bằng giá mới, từ đó ảnh hưởng mạnh tới mục tiêu kiềm chế lạm phát;
Chỉ số ngành (cấp I) - Nguồn: StoxPlus, tính đến 31/3/2010
- Mặt bằng lãi suất hiện nay khá cao, để giảm xuống thấp như năm 2009 không dễ dàng trong điều kiện lạm phát quý I đạt mức 4,12%. Lãi vay mục tiêu trung bình 14%/năm, mặc dù thấp hơn nhiều so với lãi suất chung DN phải vay trong quý I nhưng cũng chưa đủ hấp dẫn để DN ồ ạt tiếp cận vốn, mở rộng sản suất nếu lợi nhuận không đạt mức tối thiểu 20%.
Trong khi các chỉ số Index toàn cầu tăng trưởng trung bình khoảng 3 - 4% trong quý I, VN-Index diễn biến trái chiều. Tính đến cuối quý I, P/E dự kiến 2010 của Việt Nam đang thấp hơn khoảng 20% so với chỉ số trung bình MSCI Asia Pac ex Japan; đồng thời hơn 50% cổ phiếu giao dịch ở mức P/E dưới 10x. Với việc các yếu tố vĩ mô quý I không bi quan như dự tính của nhiều NĐT, khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam năm 2010 tương đối lạc quan. Chúng tôi kỳ vọng đây là cơ hội để NĐT nước ngoài đẩy mạnh mua vào trong quý II; đồng thời, sau khi kinh tế vĩ mô ổn định hơn, thị trường sẽ có đà tăng trưởng mạnh vượt mức trung bình của khu vực.
Bất chấp chính sách thắt chặt tiền tệ trong quý I, nhiều DN chủ chốt vẫn công bố kết quả kinh doanh lạc quan hơn kỳ vọng, nhất là nhóm ngành hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu (khoáng sản, cao su…) và sản xuất (sắt thép, xi măng...). Với nền tảng vĩ mô lạc quan hơn, tăng trưởng quý II của DN được nhìn nhận có triển vọng tốt; nhưng sẽ có sự thay đổi trong tốc độ tăng trưởng của các nhóm ngành do tính chất chu kỳ của nền kinh tế.
Tỷ trọng các nhóm ngành (cấp I) trong tổng vốn hóa thị trường
Chiến lược phân bổ ngành: Nhóm ngành tài chính - ngân hàng (bao gồm bất động sản) mặc dù chưa tới 20% số lượng DN, nhưng chiếm hơn 50% tổng giá trị vốn hóa trên hai sàn. Ngược lại, nhóm ngành công nghiệp chiếm khoảng 40% tổng số DN niêm yết, nhưng chỉ đóng góp 13,7% tổng giá trị vốn hóa. 5 nhóm ngành lớn nhất là tài chính, ngân hàng, hàng tiêu dùng, công nghiệp và nguyên vật liệu đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tăng/giảm của VN-Index và HNX-Index.
Các ngành được phân theo 3 nhóm chính: chu kỳ, phòng thủ và tài chính (cơ sở phân ngành: ICB - cơ sở phân loại chu kỳ của nhóm ngành: Russell Investments). Dựa trên nhận định của về kinh tế vĩ mô và tính chu kỳ của các nhóm ngành, chúng tôi khuyến nghị chiến lược phân bổ ngành (trên cơ sở nhóm ngành cấp 1) như sau: Tập trung vào các ngành có tính chất chu kỳ và giảm tỷ trọng tài sản trong nhóm ngành có tính chất phòng thủ; tăng tỷ trọng trong nhóm ngành tài chính; giảm trong nhóm ngành ngân hàng. Chúng tôi cũng nhận định, ngành hàng tiêu dùng (bao gồm cả dịch vụ tiêu dùng) có xu hướng đi ngang, do quý II không phải là mùa tiêu thụ cao điểm trong khi các điều chỉnh về giá (cả về giá bán và giá vốn) hầu hết đã diễn ra trong quý I nên khó có khả năng tạo đột biến.
Bảng 3: Một số nhóm ngành tiềm năng Nhóm ngành cấp I
Nhóm ngành cấp II
Nguyên nhân và mã cổ phiếu đáng chú ý
Tài chính
Bất động sản
- Kinh tế đang phục hồi mạnh;
- Chính sách tiền tệ đang dần nởi lỏng, tăng trưởng tín dụng có tác động tích cực tới tiến độ các dự án BĐS;
- Lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong quý II;
- Nhu cầu nhà ở nhìn chung vẫn vượt nguồn cung;
- Cổ phiếu đáng chú ý: NTL, SJS, DIG, BCI, NBB, HAG.
Công nghiệp
Vật liệu xây dựng và nội thất
- Sản lượng dự kiến tăng trưởng khá;
- Giá có xu hướng tăng trong quý II;
- Lợi nhuận từ việc đánh giá lại hàng tồn kho;
- Tăng theo đà phục hồi của nhóm ngành BĐS;
-Cổ phiếu đáng chú ý: HT2, VHL, VCS.
Xây dựng
-Tăng theo đà phục hồi của hoạt động BĐS;
- Cổ phiếu đáng chú ý: HBC, CTD, PVX.
Nguyên vật liệu
Khai khoáng
- Giá khoáng sản tăng mạnh cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới;
- Lợi nhuận 2010 có khả năng tăng đột biến;
- Nguồn cung cổ phiếu hạn chế so với tổng cầu;
- Cổ phiếu đáng chú ý: KSB, KSH.
Cao su tự nhiên
- Giá nguyên liệu tăng mạnh theo giá dầu cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới;
- VND mất giá đáng kể so với năm 2009;
- Lợi nhuận 2010 có khả năng tăng trưởng đột biến trên 30%;
- Cổ phiếu đáng chú ý: DPR, PHR.
Thép và sản phẩm thép
- Giá thép tăng mạnh trong quý II;
- Nhu cầu xây dựng, đặc biệt cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long rất cao;
- Việc đánh giá lại hàng tồn kho có khả năng mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho DN cho tới hết quý II;
- Cổ phiếu đáng chú ý: TLH, HSG, HPG, VIS.
Công nghệ thông tin
Phần mềm
- Nhu cầu tăng mạnh cả trong và ngoài nước;
- Dịch vụ 3G kéo theo nhu cầu cao về mặt sản phẩm từ các đơn vị viễn thông;
- Xuất khẩu phần mềm đang hồi phục mạnh trên thị trường thế giới;
- Cổ phiếu đáng chú ý: FPT, CMG.
Hàng tiêu dùng
Nuôi trồng nông và hải sản
- Thường phục hồi mạnh khi nhu cầu thế giới có xu hướng tăng cao;
- Giá xuất khẩu có xu hướng tăng;
- VND mất giá đáng kể so với năm 2009;
- Cổ phiếu đáng chú ý: ABT, HVG, VHC.
Một số nhóm ngành (cấp 2) và mã cổ phiếu đáng chú ý
Trong quý II, chúng tôi khuyến nghị NĐT tập trung vào các nhóm ngành có khả năng tăng trưởng mạnh hơn VN-Index (overperform). Bảng 3 là một số nhóm ngành cấp II và một số mã cổ phiếu đáng chú ý dựa trên nhận định tổng quát của chúng tôi về khả năng tăng trưởng của nhóm ngành cấp I.
Nhìn chung, theo chúng tôi, trong quý II, thị trường bước vào giai đoạn tích lũy và tăng trưởng, nhưng khả năng chưa tạo đột phá lớn. Xét về tăng trưởng, thị trường Việt Nam lùi khoảng 1 quý so với các nền kinh tế trong khu vực, nhưng triển vọng tương đối tích cực. Giống như quý I của hầu hết thị trường tài chính khác, các nhóm ngành mang tính chất chu kỳ sẽ dẫn dắt thị trường Việt Nam trong quý II.
*Chi tiết bản báo cáo này bạn đọc có thể tham khảo tại www.sme.vn sau ngày 21/4/2010