Các ngân hàng được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh trong quý I/2025 bao gồm VietinBank, Sacombank, VPBank, HDBank…

Các ngân hàng được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh trong quý I/2025 bao gồm VietinBank, Sacombank, VPBank, HDBank…

Quý I/2025, nhiều ngân hàng lãi ngàn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tín dụng tăng trưởng đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quý đầu năm 2025, với con số lợi nhuận khá ấn tượng so với cùng kỳ năm trước.

Thu hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận…

Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 của ngân hàng này ước đạt khoảng 20 - 22% trong tổng mục tiêu lợi nhuận hơn 11.000 tỷ đồng cả năm 2025. Tuy nhiên, quý I/2025 có thời gian dài nghỉ Tết và tháng 2 chỉ có 28 ngày nên VIB kỳ vọng, lợi nhuận sẽ cao hơn trong các quý tới, nhất là quý cuối năm có thể cao hơn 30 - 40% so với quý đầu năm. Do đó, VIB có cơ sở để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay.

Tại Nam A Bank, trong quý I/2025, lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 21,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 31/3/2025, Nam A Bank ghi nhận quy mô tổng tài sản gần 263.000 tỷ đồng, tăng hơn 7%; huy động vốn đạt gần 204.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cuối năm 2024. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - 5) ở mức 2,23%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu gần 54%. Ngoài ra, chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) quý I/2025 của Nam A Bank giảm còn 36% (giảm 8,1% so với cuối năm 2024). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giữ ở mức 11,6%, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Basel III.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 của Nam A Bank đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại kỳ họp thường niên ngày 28/3 vừa qua là 5.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024, nhưng Ban điều hành phấn đấu đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 10% như thực tế mức vượt các năm trước. Kết thúc năm 2024, Nam A Bank đạt lợi nhuận trước thuế 4.545 tỷ đồng, vượt 12% so với chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao là 4.000 tỷ đồng, nên Ngân hàng chia cổ tức ở mức 25%.

Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, Ngân hàng kỳ vọng mỗi quý đạt 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, có thể cải thiện dần vào các quý cuối năm 2025. Bởi thông thường, nhu cầu vốn tín dụng tăng cao trong nửa cuối năm, thúc đẩy nguồn thu ngoài lãi, đóng góp tích cực vào lợi nhuận, nhất là khi Ngân hàng đã đẩy mạnh số hóa trong những năm qua và mang lại hiệu suất tích cực. Tỷ lệ nguồn thu ngoài lãi đóng góp vào lợi nhuận của Nam A Bank hiện đạt khoảng 13%, phấn đấu tăng lên 20%. Bên cạnh đó, trong năm nay, Ngân hàng sẽ tăng cường bán chéo sản phẩm bảo hiểm và theo chuỗi giá trị ngành nghề, đồng thời đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ, qua đó tác động lên lợi nhuận khi nguồn dự phòng được hoàn nhập. Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán trái phiếu chính phủ, trái phiếu do các định chế tài chính phát hành.

Tương tự, TPBank ghi nhận lợi nhuận 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng khả quan, đạt gần 1.430 tỷ đồng. Nhà băng này ước tính, kết thúc quý I/2025, lợi nhuận đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến từ sự mở rộng hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa hiệu quả tài chính và kiểm soát chi phí hiệu quả. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 2.800 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm nay và ước đạt 4.300 tỷ đồng đến cuối quý I/2025.

Tại NCB, quý đầu năm 2025, Ngân hàng ước đạt lợi nhuận trước thuế hơn 125 tỷ đồng; vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) hơn 107.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cuối năm 2024; cho vay khách hàng hơn 78.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2024; thu nhập lãi thuần gần 510 tỷ đồng, cao nhất trong 9 quý gần nhất; các hoạt động kinh doanh khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và vàng, mua bán chứng khoán đầu tư... đều có lãi.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tất cả các ngân hàng trong danh sách theo dõi (chủ yếu là ngân hàng niêm yết) đều được dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng trong quý đầu năm 2025. Nổi bật là Sacombank, Techcombank, với kỳ vọng lợi nhuận tăng 25%, dự kiến đạt lần lượt 3.326 tỷ đồng và 9.752 tỷ đồng trong quý I/2025. Một số ngân hàng khác được kỳ vọng lợi nhuận quý I năm nay tăng trưởng mạnh như MB tăng 22%, VietinBank tăng 20%, MSB tăng 17%, BIDV tăng 16%, HDBank và VIB cùng tăng 15%. Mức tăng trưởng lợi nhuận quý I năm nay của VPBank, ACB và TPBank được dự báo lần lượt là 10%, 8% và 5%.

VCBS cũng dự báo, biên lãi ròng của nhiều ngân hàng sẽ được cải thiện trong năm 2025, nhờ triển vọng tăng trưởng tín dụng tích cực, nhất tại VIB, Techcombank, MB, HDBank, VPBank. Ngoài ra, MSB và Sacombank được kỳ vọng sẽ ghi nhận thu nhập đột biến từ hoạt động thu hồi nợ xấu. Trong đó, tiến độ xử lý tài sản tồn đọng của Sacombank sẽ được đẩy nhanh, với mục tiêu hoàn tất trong giai đoạn 2025 - 2026. Sacombank có thể tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và xử lý dứt điểm nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu trong hai năm tới.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, nhóm ngân hàng có lợi nhuận trước thuế quý I/2025 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái bao gồm Sacombank (tăng 51%), VietinBank (tăng 42%), VPBank (tăng 32%), HDBank (tăng 19%), MSB (tăng 11%); nhóm ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dưới 10% bao gồm TPBank (tăng 9%), Techcombank (tăng 6%), Vietcombank (tăng 3%).

… nhờ tín dụng tăng trưởng tích cực

Theo ông Đặng Khắc Vỹ, lợi nhuận của VIB tăng tích cực trong quý đầu năm 2025 chủ yếu nhờ tín dụng tăng trưởng tốt so với toàn ngành.

“Tính đến ngày 10/3/2025, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2024, dự báo đến hết quý I/2025 tăng gần 2%, còn VIB tăng khoảng 3%”, ông Vỹ nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB đánh giá, với mục tiêu GDP năm 2025 tăng trưởng 8%, ngành ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% là một mục tiêu thách thức. Tuy nhiên, với những quốc gia cần tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như Việt Nam hiện nay, thì mục tiêu tín dụng tăng 16% là khả thi, nhất là khi tín dụng chiếm đến 40% GDP. Mặt khác, những năm trước đây, các ngân hàng luôn phải duy trì tăng trưởng tín dụng trong hạn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, nhưng đầu năm nay, cơ quan này đã giao hạn mức tín dụng tăng trưởng 16% cho các ngân hàng nên dư địa cho vay được mở rộng. Theo đó, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 22% và trung bình trong 10 năm tới sẽ duy trì mức tăng trưởng khoảng 20%.

VIB sẽ đẩy mạnh cho vay phân khúc bán lẻ, hiện chiếm 80% trong tổng dư nợ của Ngân hàng. Cho vay phân khúc bán lẻ đã được VIB chuẩn bị và đề ra chiến lược từ lâu nên không e ngại khi thị trường ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt. Năng lực của VIB hiện tại rất tốt nên có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, biên lãi ròng có khả năng sẽ thu hẹp, do giá vốn huy động không giảm nhưng lãi suất cho vay phải giảm để hỗ trợ khách hàng.

TPBank cho biết, dư nợ cho vay khách hàng đang ghi nhận tăng trưởng đáng kể, đạt 263.920 tỷ đồng, ước tính đến cuối quý I/2025 tăng lên 269.000 tỷ đồng. Với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) duy trì trên 20%, TPBank tiếp tục đảm bảo nguồn vốn huy động với chi phí thấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng sinh lời ổn định. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì trên 13%, khẳng định sự ổn định tài chính, khả năng kiểm soát rủi ro.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, TPBank đang sở hữu lợi thế lớn nhờ vị thế dẫn đầu trong mảng ngân hàng số, giúp mở rộng tiếp cận khách hàng trẻ và tăng trưởng tín dụng. Năm 2025, tăng trưởng tín dụng của TPBank được dự báo đạt 16% nhờ tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập khá, thế hệ Millennials và các hộ kinh doanh, với hai sản phẩm chủ chốt là cho vay mua ô tô và vay thế chấp nhà.

Các chuyên gia MBS kỳ vọng, chất lượng tài sản của TPBank sẽ được cải thiện trong năm 2025 nhờ vào nền kinh tế “ấm” lên và sự phục hồi trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng dư nợ của TPBank giảm liên tục trong 6 quý gần nhất, giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu, đồng thời Ngân hàng tiếp tục củng cố bảng cân đối kế toán thông qua xóa nợ và trích lập dự phòng.

Với yếu tố trên, TPBank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 9.116 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 20% so với kết quả đạt được năm 2024.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, phần lớn các tổ chức tín dụng được khảo sát (74 - 76%) kỳ vọng, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025 sẽ cải thiện so với quý IV/2024 và dự kiến tiếp tục cải thiện trong quý II/2025. Tuy nhiên, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh suy giảm so với quý trước đã tăng từ 8,8% trong quý IV/2024 lên 14,8% trong quý I/2025.

PSG.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, biên lãi ròng ngành ngân hàng khó có thể tăng mạnh trong năm 2025, song tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh sẽ thúc đẩy thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt hơn so với năm ngoái. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập dự báo duy trì ở mức 22%. Trước đó, trong năm 2024, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tăng trưởng 9,2%, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc thu nhập khác tăng 36%, phần lớn do tăng tốc thu hồi nợ xấu và giao dịch chứng khoán tăng 14,1%.

MBS dự báo, thu nhập ngoài lãi của các ngân sẽ tăng 16,9% trong năm 2025, nhờ mức nền thấp của năm 2024, dù kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có thể sẽ chậm lại.

Tin bài liên quan