Trong quý đầu năm 2024, SHB ghi nhận khoản lãi hơn 4.000 tỷ đồng

Trong quý đầu năm 2024, SHB ghi nhận khoản lãi hơn 4.000 tỷ đồng

Quý I/2024, lợi nhuận ngân hàng vượt dự kiến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt ngân hàng báo lãi quý I/2024 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, tích cực hơn nhiều so với kết quả khảo sát trước đó của Ngân hàng Nhà nước.

Nhiều ngân hàng báo lãi tăng trưởng mạnh

Tuần qua, các ngân hàng dồn dập tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Cùng với đó, kết quả kinh doanh quý I/2024 của các nhà băng đã được tiết lộ. Tại đại hội cổ đông thường niên 2024, diễn ra vào ngày 25/4, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với mức thực hiện của năm 2023. Theo bà Hà, mặc dù bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn nhưng kế hoạch này là khả thi, bởi trong quý đầu năm, Ngân hàng đã đạt hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh quý I/2024 của MSB được chia sẻ tại đại hội cổ đông của ngân hàng này. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, đến cuối quý I, tổng tài sản của Ngân hàng đạt trên 280.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 4%. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung của ngành ngân hàng đang chững lại, tăng trưởng tín dụng quý I/2024 của MSB ước đạt trên 5%. Cho vay khách hàng đạt 158.000 tỷ đồng, tăng 4,7%. Tiền gửi đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 4,1%. Lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 1.530 tỷ đồng, tương đương 22,5% kế hoạch cả năm.

Tại TPBank, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng thông tin, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2023. Với kết quả lợi nhuận 3 tháng đầu năm đạt 1.829 tỷ đồng và dự kiến hết tháng 4 đạt hơn 2.500 tỷ đồng, lãnh đạo TPBank tự tin mục tiêu lợi nhuận năm nay là khả thi.

Kết thúc quý I, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó tổng thu nhập hoạt động đạt 5.320 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi chiếm gần 25% doanh thu, với sự đóng góp tích cực của các mảng thẻ tín dụng, ngoại hối và các khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro.

SeABank cũng công kết quả kinh doanh quý I/2024, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.

VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 4.200 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng gần 66% so với quý liền trước và tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý trước đó, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Tính gộp lợi nhuận ngân hàng mẹ với VPBankS và OPES, VPBank thu về gần 5.200 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2 lần so với quý cuối năm 2023.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính được LPBank công bố cho biết, lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024 đạt 2.886 tỷ đồng, tăng tới 84,36% so với cùng kỳ, hoàn thành 27,49% kế hoạch năm. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp LPBank cho biết, lợi nhuận Ngân hàng bứt tốc nhờ lãi thuần từ mảng dịch vụ cao đột biến, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần tăng mạnh, đi cùng việc kiểm soát chi phí hoạt động hợp lý là những yếu tố giúp lợi nhuận LPBank tăng trưởng mạnh.

Quả vậy, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm so với cuối năm 2023 và đến tháng 3 mới “nhúc nhích” tăng trở lại đã khiến lợi nhuận mảng tín dụng - mảng kinh doanh cốt lõi của các nhà băng sụt giảm và các nhà băng phải đẩy mạnh thu nhập từ mảng dịch vụ để bù đắp. Chẳng hạn, mảng đầu tư chứng khoán của TPBank đã mang về lợi nhuận đáng kể cho Ngân hàng khi thu nhập tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm trước. Hay MSB ghi nhận khoản lãi hơn 550 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, tương đương 54% lãi thuần hoạt động này trong cả năm 2023.

Bên cạnh các ngân hàng công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm nay, cũng có những ngân hàng có lợi nhuận tăng nhẹ như Bac A Bank, thậm chí giảm như PGBank, nhưng nhìn chung, số liệu kinh doanh được các ngân hàng công bố cho thấy tích cực hơn so với kết quả điều tra tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2024 của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, theo kết quả điều tra, các tổ chức tín dụng nhận định kết quả kinh doanh chưa được như nhận định trong quý I/2024 và 70,9 - 72,7% các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II/2024 và cả năm 2024.

Nền tảng để lạc quan

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, với mức nền tăng trưởng khá thấp của năm 2023, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ tăng trưởng khả quan hơn. Tuy nhiên, có sự phân hoá giữa các ngân hàng, tuỳ thuộc vào năng lực tài chính, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được phê duyệt, chất lượng tài sản, thu dịch vụ… Trong đó, lợi nhuận của nhóm ngân hàng quy mô nhỏ sẽ khó bứt phá, thậm chí có thể giảm tốc do gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nguồn vốn huy động lãi suất thấp.

“Lợi nhuận của nhóm ngân hàng quy mô lớn sẽ có nhiều cơ hội đạt mức cao hơn do các ngân hàng này đều đã gia tăng trích lập dự phòng rủi ro trong những năm trước, nên áp lực trích lập dự phòng rủi ro khi nợ xấu tăng cao sẽ không quá lớn, nhờ đó, lợi nhuận sẽ có lợi thế tăng trưởng cao hơn”, TS. Lực nhận định.

Các yếu tố kỳ vọng sẽ giúp lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 khả quan hơn được TS. Lực dự báo bao gồm: Thứ nhất, nền kinh tế phục hồi tốt hơn, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14 - 15%, cao hơn so với 2023, giúp tăng thu nhập từ hoạt động tín dụng cũng như các hoạt động dịch vụ khác như thanh toán, dịch vụ ngân hàng số, kinh doanh ngoại hối…; thứ hai, thị trường chứng khoán tăng trưởng cao hơn cũng sẽ giúp tăng thu nhập từ kinh doanh chứng khoán; thứ ba, thanh khoản sẽ bớt dư thừa trong năm 2024, do tín dụng tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào có xu hướng tăng nhẹ, giúp NIM tăng nhẹ, nhờ đó lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn.

Tuy nhiên, TS. Lực cũng cảnh báo tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 vẫn còn nhiều trở ngại, thể hiện qua áp lực trích lập dự phòng rủi ro cao hơn do nợ xấu gia tăng (cùng với lộ trình phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN) và giá trị tài sản đảm bảo giảm xuống hoặc còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, các nguồn thu dịch vụ đóng góp lớn vào lợi nhuận trong giai đoạn trước như bancassurance, thu nợ ngoại bảng… chưa thể phục hồi nhanh.

“Đồng thời, chi phí quản lý có xu hướng tăng do đầu tư vào công nghệ và chi phí lương tăng theo lộ trình của Nhà nước cũng như nhằm tăng cạnh tranh về nguồn nhân lực”, TS. Lực nêu quan điểm.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), những ngân hàng có các đặc điểm sau sẽ có được kết quả kinh doanh khả quan hơn so với toàn ngành, ví dụ, NIM có thể chống chọi được sự bào mòn do hoạt động cắt giảm lãi suất cho vay nhằm cạnh tranh tăng trưởng tín dụng. Theo đó, những ngân hàng được kỳ vọng sẽ có NIM bền vững là những ngân hàng có chi phí vốn thấp và ưu thế về CASA.

“Những ngân hàng có mảng tín dụng tăng trưởng tốt và ổn định nhờ có tệp khách hàng riêng và những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ cùng gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 sẽ giảm được áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó, giúp lợi nhuận sau thuế gia tăng đáng kể hơn so với toàn ngành”, bà Hiền nhấn mạnh.

Tin bài liên quan