Cụ thể, đến cuối quý I, quy mô cấp tín dụng của SHB đã đạt khoảng 423 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn huy động trên thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư) đạt khoảng 440 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong quý I/2023, SHB tiếp tục đẩy mạnh chiến lược bán lẻ và gia tăng các nguồn thu dịch vụ. Chiến lược chuyển đổi số đang phát huy hiệu quả và giúp tối ưu hóa vận hành. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của SHB trong kỳ đã đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10,3% so với quý I/2022. Với kết quả này, SHB đã hoàn thành khoảng 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023, theo kế hoạch ĐHĐCĐ vừa thông qua.
Đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của SHB đã đạt khoảng 571,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2022. Với quy mô này, SHB tiếp tục củng cố vị thế Top 5 NHTM cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam xét về quy mô vốn và tổng tài sản.
Như vậy, đến thời điểm này SHB là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên có thông tin về kết quả kinh doanh cơ bản trong quý đầu năm 2023, trong hướng tăng cường cập nhật và minh bạch về tình hình hoạt động đến cổ đông và thị trường.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHB (sàn HOSE) cũng vừa có quãng giao dịch ấn tượng về quy mô thanh khoản và tăng trưởng về giá. Cụ thể, từ cuối tháng 3/2023 đến nay, giao dịch tại cổ phiếu SHB liên tiếp ghi nhận chuỗi phiên bùng nổ về khối lượng, trở thành một trong những mã có thanh khoản tốt nhất trên thị trường; bình quân một tháng trở lại đây đạt trên 26 triệu đơn vị/phiên qua khớp lệnh liên tục và giá có quãng tăng mạnh với gần 20%.
Trong xu hướng mở rộng quy mô giao dịch trên, cổ phiếu SHB đã thu hút dòng tiền mua ròng lớn từ khối các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi cổ phiếu này được thêm vào rổ chỉ số FTSE Vietnam Index trong đợt tái cơ cấu danh mục quý I/2023.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra, đại diện lãnh đạo SHB cũng cho biết một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới đang quan tâm cơ hội đầu tư vào SHB và Ngân hàng sẽ xúc tiến kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong năm nay.
Theo báo cáo của Ban điều hành tại ĐHCĐ, tổng tài sản của SHB năm 2022 đã đạt gần 551 nghìn tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 407 nghìn tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng gần 399 nghìn tỷ đồng; bộ đệm vốn tự có đạt 62.577 tỷ đồng theo chuẩn Basel II.
Hiệu quả kinh doanh của SHB tiếp tục được nâng cao trong năm qua, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.689 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2021; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,7%, thuộc Top đầu các NHTM hiệu quả nhất Việt Nam; hiệu quả vận hành hàng đầu thị trường với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở 22,7%. Các chỉ số an toàn, thanh khoản, quản lý rủi ro của SHB đều đạt tốt hơn so với các mức quy định của Ngân hàng Nhà nước và theo các chuẩn mực quốc tế.
Với kết quả trên, ĐHĐCĐ SHB đã thông qua phương án chi trả cổ tức cho năm 2022 với tỷ lệ 18%, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 36.600 tỷ đồng, duy trì vị thế Top 5 NHTMCP tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, theo đại diện lãnh đạo SHB, các chỉ tiêu kế hoạch trên mang tính tương đối, được xây dựng theo hai kịch bản ứng với mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao khoảng 10% và kỳ vọng có thể được giao ở mức khoảng 14% cho cả năm.
Theo đó, SHB đặt các mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trong khoảng 7-15% ở các chỉ tiêu chính. Trong đó, tổng tài sản dự kiến đạt quanh 600.000 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng mạnh lên hơn 36.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến trên 10.200 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức dự kiến 15% và theo đó dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 40.000 tỷ đồng.