Quý I/2023, Gilimex (GIL) ghi nhận lỗ kỷ lục 38,62 tỷ đồng và dòng tiền âm kỷ lục 133 tỷ đồng

Quý I/2023, Gilimex (GIL) ghi nhận lỗ kỷ lục 38,62 tỷ đồng và dòng tiền âm kỷ lục 133 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khởi kiện Amazon, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán GIL - sàn HOSE) ghi nhận thua lỗ kỷ lục và dòng tiền âm kỷ lục trong quý đầu năm 2023.

Kinh doanh dưới giá vốn trong quý I/2023 dẫn tới lỗ kỷ lục từ khi niêm yết năm 2002

Gilimex vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2023. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 156,9 tỷ đồng, giảm 88,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 38,62 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 107,15 tỷ đồng, tức giảm 145,77 tỷ đồng.

Được biết, Gilimex niêm yết trên sàn từ ngày 2/1/2002 tới nay. Ngoài ra, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2002 tới nay, chưa quý nào Gilimex ghi nhận lỗ kỷ lục 38,62 tỷ đồng như trong quý I/2023. Trong đó, mức lỗ lớn nhất là quý IV/2016 với giá trị lỗ 1,66 tỷ đồng.

Trong kỳ, Gilimex kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 4,26 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 245,15 tỷ đồng, tức giảm 249,41 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 26,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 9,76 tỷ đồng, về 27,39 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 42,8%, tương ứng giảm 12,26 tỷ đồng, về 16,39 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 60,3%, tương ứng giảm 65,96 tỷ đồng, về 43,37 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù Gilimex đã tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng do kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận vẫn ghi nhận lỗ 38,62 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2023, Gilimex đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 103,5 tỷ đồng, giảm 77,4% so với lợi nhuận đạt được trong năm 2022 là 458,9 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, với lợi nhuận trước thuế ghi nhận âm 38,66 tỷ đồng, Gilimex còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm 2023.

Dòng tiền âm kỷ lục từ năm 2013 tới nay

Bên cạnh kinh doanh lao dốc, trong quý I/2023, dòng tiền kinh doanh chính của Gilimex còn ghi nhận âm 133 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 200,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 94,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 445 tỷ đồng.

Được biết, năm 2022, Gilimex cũng mới ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 92,9 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu nhìn rộng ra từ năm 2013 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục như quý I/2023, giá trị âm lớn nhất là năm 2013 với giá trị âm 52,02 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Gilimex giảm 14,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 589,2 tỷ đồng, về 3.399,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 1.298 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.168,2 tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Điểm đáng lưu ý, trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính giảm 33,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 588,1 tỷ đồng, về 1.168,2 tỷ đồng. Như vậy, kết quả kinh doanh lao dốc và lượng tiền mặt suy giảm mạnh trong quý đầu năm 2023.

Chưa trích lập tồn kho hơn 800 tỷ đồng

Sau khi thực hiện khởi kiện Amazon để đòi bồi thường 280 triệu USD do cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm 2022, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ông Nguyễn Việt Cường, Thành viên HĐQT Gilimex chia sẻ khi mất đi khách hàng lớn, khách mới phát triển, doanh thu tầm 45 triệu USD, mang lại lợi nhuận 50 tỷ đồng, chiếm khoảng 5%; lợi nhuận còn lại đến từ bán cơ sở hạ tầng. Điểm rơi lợi nhuận từ lĩnh vực phát triển khu công nghiệp sẽ nằm vào năm 2025. Hiện tại, Công ty đặt mục tiêu bảo toàn vốn.

Vụ kiện Amazon, Chủ tịch Lê Hùng đang theo trực tiếp, Công ty phải chia người làm việc. Vụ kiện theo quy trình, nộp đơn lên toà, quyết định toà án có xử hay không, quá trình này điều tra rất lâu và hiện tại toà đã thụ lý hồ sơ; sau thụ lý hồ sơ, toà án yêu cầu các bên chứng minh bằng chứng, Công ty đã nộp lên và cả Amazon cũng nộp; bước tiếp theo xem xét bằng chứng, toà án sẽ có đội xem xét bằng chứng, luật sư sẽ xem xét các bằng hai bên; sau đó hai bên ngồi lại với nhau… và các bước tiếp theo.

“Công ty đã qua bước thụ lý, đây là bước quan trọng. Mục tiêu, giải quyết dứt điểm trong năm 2023”, ông Nguyễn Việt Cường, Thành viên HĐQT nhấn mạnh.

Về tồn kho đối với khách hàng Amazon, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, mức tồn kho 800 tỷ đồng liên quan Amazon, chủ yếu là thành phẩm, đặc biệt nhiều hàng chỉ dùng cho khách hàng Amazon. Công ty đặt mục tiêu xử lý dứt điểm, dự kiến 31/12/2023 sẽ không còn mục này.

"Hiện tại, Công ty chưa trích lập dự phòng vì chưa có cơ sở, việc trích lập chỉ được thực hiện khi có kết luận của toà án", ông Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/4, cổ phiếu GIL giảm 400 đồng về 23.400 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan