Quý I/2021, Thuận Đức (TDP) đạt 30,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

Quý I/2021, Thuận Đức (TDP) đạt 30,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 mới được công bố của Công ty cổ phần Thuận Đức (TDP – HOSE) cho thấy, doanh thu thuần đạt 467,03 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 37,7 tỷ đồng và 30,1 tỷ đồng, tăng mạnh 120%.

Về kết quả kinh doanh quý này, Công ty nhận định, thị trường kinh doanh nội địa đã ổn định nên tăng trưởng doanh thu cao, doanh số bán hàng bao bì nội địa thức ăn chăn nuôi và nông sản cũng tăng trưởng mạnh. Sau khi nhiều nước dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thị trường xuất khẩu túi siêu thị dự báo có sự phục hồi khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty tổ chức ngày 22/4 vừa qua, Thuận Đức đã công bố thông tin đáng chú ý là sẽ không thực hiện quyền mua cổ phiếu tại Thuận Đức Eco, mà chuyển nhượng toàn bộ quyền mua này cho cá nhân hoặc tổ chức khác.

Đồng thời, Thuận Đức cũng quyết định giải thể Chi nhánh Thanh Hóa vì thị trường tại đây gặp nhiều khó khăn.

Dù vậy, Thuận Đức tiếp tục mở rộng đầu tư thông qua việc tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Thuận Đức Hưng Yên từ 119 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng, thành lập thêm Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Thuận Đức, Công ty CP Thuận Đức Bỉm Sơn.

Bên cạnh đó, Đại hội cũng đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 6,45 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 12%, cùng với đó là chào bán hơn 10,75 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện 5:1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cùng kế hoạch 2,68 triệu cổ phiếu ESOP cũng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Về chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 2021, cổ đông của Thuận Đức đã thống nhất kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 1.968 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng và cổ tức dự kiến là 12%, tăng lần lượt 43% và 21% so với thực hiện năm 2020.

Kế hoạch kinh doanh tăng trưởng này của Thuận Đức một phần đến từ những đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi đối với ngành bao bì nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng cao với tầm nhìn 2021-2025.

Theo đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, dù trong 6 tháng đầu năm nay, do nguồn cung chính giấy thu hồi tại Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn đang bị ảnh hưởng mạnh do dịch Covid-19, trong đó nhiều nơi vẫn tiếp tục có các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội khiến khiến tỷ lệ thu gom nguyên liệu giấy sụt giảm, ngoài ra, việc thiếu container và cước vận chuyển tăng cũng là vấn đề lớn nên việc thiếu nguyên liệu và giá vẫn ở mức cao đang được thể hiện rất rõ rệt.

Nhưng VPPA cũng nhận thấy những dấu hiệu tích cực, khi cho biết "năm dịch bệnh" 2020, tổng tiêu dùng giấy bao bì trong nước vẫn đạt 4,286 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2019, dù con số không lớn, nhưng cần lưu ý rằng mức tăng trưởng chung của thế giới là âm 5%.

Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI cũng có cái nhìn tích cực về ngành, khi nhận định mức tiêu thụ bao bì giấy ở Việt Nam dự kiến tăng 12% trong giai đoạn 2021-2025 nhờ tốc độ đô thị hóa vẫn còn tiếp diễn. SSI dự báo tốc độ đô thị hóa trong nước ước đạt 40% trong năm 2024 so với mức 37% năm 2019.

Mảng bao bì giấy cũng được hưởng lợi từ tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử Việt Nam với mức tăng trong năm 2020 là 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ngoài ra, tổng kim ngạnh xuất khẩu của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng sẽ thúc đẩy nhu cầu về bao bì giấy trong tương lai.

Điều này dự báo sẽ còn thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngành bao bì trong năm 2021 này, trong đó có Thuận Đức, với các sản phẩm thế mạnh là dòng sản phẩm túi siêu thị thân thiện với môi trường, vốn rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới, ngay cả với các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU.

Tin bài liên quan