Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của VIB cho thấy, hai mảng kinh doanh chính của Ngân hàng đều có sự tăng trưởng tích cực. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 31,5%, đạt 1.385 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng vọt 168%, đạt 348 tỷ đồng. Quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 810 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 3.400 tỷ đồng, VIB đã hoàn thành được 24% kế hoạch.
Sự tăng trưởng đột biến ở mảng dịch vụ của VIB chủ yếu đến từ khoản thu phí hoa hồng bảo hiểm, đạt 209 tỷ đồng, tăng gấp 10,5 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, thu từ dịch vụ thanh toán cũng tăng trưởng khá, với 27%, đạt 99 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của VIB đạt 144.836 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,9%, đạt 100.870 tỷ đồng, cao so với mặt bằng chung của toàn hệ thống; huy động tiền gửi tăng 4,5%, đạt 88.668 tỷ đồng.
VPBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2019. Theo đó, hết quý I, Ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng 6,8%; tổng thu nhập thuần từ các hoạt động kinh doanh đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 1.700 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ; tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) đạt 9,2%. Sở dĩ NIM của nhà băng cao là do có Công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc (FE Credit).
Đáng chú ý, mảng dịch vụ đem lại cho Ngân hàng khoản lợi nhuận tới 745 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước, với riêng ngân hàng mẹ là 473 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.
Theo VPBank, hoạt động của ngân hàng riêng lẻ vẫn là động lực chính đóng góp vào kết quả kinh doanh quý I/2019. Bên cạnh đó, công ty con FE Credit cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, giá trị giải ngân trong 3 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
VietinBank vừa công bố đạt lợi nhuận trước thuế 3.153 tỷ đồng trong quý I, cao thứ 2 trong hệ thống chỉ sau Vietcombank. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VietinBank, đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản sụt giảm 1,5% so với đầu năm, xuống mức hơn 1,14 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng sụt giảm 6.599 tỷ đồng, tương đương giảm 0,8% so với đầu năm, xuống 845.319 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng giảm 0,1%, xuống mức 824.613 tỷ đồng.
Trong khi dư nợ cho vay sụt giảm, thu nhập lãi thuần của VietinBank trong quý I vẫn tăng 9,9% so với cùng kỳ 2018, đạt 7.950 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đột biến 64%, đạt 969 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đóng góp khoản lãi 414 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ. Với mục tiêu lợi nhuận 9.500 tỷ đồng cả năm, VietinBank đã hoàn thành được 32,6% kế hoạch.
Mảng dịch vụ đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận quý I của Vietcombank .
Ngân hàng có nguồn thu từ dịch vụ đóng góp cao nhất vào lợi nhuận trong quý đầu năm nay vẫn là Vietcombank, khi báo lãi trước thuế gần 5.900 tỷ đồng, trong đó, riêng mảng dịch vụ lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của Vietcombank trong kỳ đạt 8.499 tỷ đồng, tăng 37,1%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 928 tỷ đồng, tăng 50,9%. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, chỉ có lãi 66 tỷ đồng, giảm 76%. Lãi từ hoạt động khác và thu nhập góp vốn giảm mạnh, lần lượt đạt 1.166 tỷ đồng và 39 tỷ đồng; giảm 27% và 89% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay tăng 6,4%, đạt 661.261 tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 4,5% so với đầu năm.
Có thể thấy, trước những khó khăn về mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp buộc các nhà băng phải xoay chuyển dần theo hướng tăng trưởng nguồn thu từ dịch vụ, giảm dần phụ thuộc tín dụng. Bên cạnh thu nhập thuần từ phí bảo hiểm tăng thì thu nhập từ hoạt động tư vấn và bảo lãnh phát hành chứng khoán sẽ sớm bứt phá kể từ năm 2019. Chẳng hạn, tại Techcombank, nguồn thu này đạt đến 542 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2018, chiếm khoảng một phần tư thu nhập thuần về dịch vụ.
TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, với tình hình phát triển tín dụng, nhất là tín dụng trung và dài hạn khó khăn, các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ chuyển hướng bắt tay phát hành trái phiếu doanh nghiệp với sự tư vấn và môi giới của ngân hàng.
Qua đó, doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn hơn, còn ngân hàng gia tăng nguồn thu từ phí dịch vụ tư vấn trong bối cảnh khó tăng tín dụng trung, dài hạn. Đồng thời, theo TS Tín, muốn tăng trưởng bền vững, ngân hàng cần gia tăng nguồn thu từ dịch vụ. Ngoài ra, các dịch vụ khác như thanh toán, thẻ và ngân hàng điện tử cũng đang đem lại thu nhập tốt cho các ngân hàng. Riêng đối với dịch vụ ngân hàng điện tử, việc các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ những năm vừa qua, ngân hàng đã cho ra đời ngân hàng số, giúp tăng tiện ích cho khách hàng, tăng thu nhập cho ngân hàng.