Đại hội trình xin cổ đông thông qua một số chỉ tiêu như doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng.
Đại hội, HĐQT cũng trình xin ý kiến cổ đông chia cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 30%, trong đó 15% tiền mặt, 15% cổ phiếu và dự kiến sẽ thực hiện trong quý II/2016. Mức cổ tức năm 2016 cũng dự kiến sẽ trả ở mức 30%.
Chia sẻ với cổ đông, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG cho biết, tính đến hết quý I/2016, lợi nhuận sau thuế của HPG ước đạt 900 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ, HPG cũng xin cổ đông thông qua việc miễn nhiệm một số nhân sự, gồm ông Andy Ho, thành viên HĐQT và 2 thành viên Ban kiểm soát.
Một số cổ đông còn cho rằng, thù lao của HĐQT chiếm 1% tổng lợi nhuận sau thuế (tương ứng 35 tỷ đồng) là quá lớn, khi đưa ra so sánh tương quan với một số DN lớn khác như VCB chỉ là 0,35%...
Trả lời cổ đông, ông Long cho biết, với quy mô DN hơn 1 tỷ USD, HPG đã cho thấy “đẳng cấp” của mình. Mức thu nhập hiện tại của đội ngũ lãnh đạo HPG hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của các DN có quy mô lớn.
Đơn cử, mức lương 70 triệu đồng/tháng (trước thuế) của Tổng giám đốc như hiện tại là quá thấp, nên mức thù lao như trên một phần để động viên HĐQT và Ban lãnh đạo, đồng thời để các thành viên cố gắng phấn đấu đạt hoặc vượt kế hoạch mới được nhận thù lao.
Trong khi nhiều DN quan tâm đến vấn đề nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) thì HPG khẳng định, Công ty chưa có kế hoạch nới room, mặc dù đáp ứng được điều kiện.
Ông Long cho biết, nới room phụ thuộc vào định hướng của từng DN, bản thân ông và các thành viên HĐQT Công ty vẫn tâm huyết và mong muốn gắn bó lâu dài nên chưa có ý định nới room.
Một vấn đề khá “nóng” liên quan đến quy định mới về thuế bảo hộ do Bộ Công thương vừa ban hành có thời hạn 200 ngày (kể từ ngày 15/3/2016), Chủ tịch HĐQT HPG cho hay, việc áp thuế bảo hộ không chỉ có HPG, mà các DN thép khác đều có lợi. Tuy nhiên, định hướng sản xuất thép là dài hạn nên HPG không phụ thuộc vào những sự kiện bất ngờ như việc áp thuế bảo hộ.
Dự báo về xu hướng giá thép, ông Long cho biết, hiện tại lượng cung rất lớn và dự báo đến tháng 5 và 6, giá thép sẽ có xu hướng chững lại, thậm chí là đi xuống do đây thời kỳ thấp điểm. HPG cũng như các DN thép khác vẫn luôn phải đề phòng, đó là “cuộc chiến” với nguồn thép giá rẻ từ Trung Quốc.
Để đối phó với thép Trung Quốc, theo lãnh đạo HPG, các DN phải tự mình tìm “lối ra”, có nghĩa là DN Việt phải chủ động tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ bán hàng và quan trọng hơn là phải cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm.
Báo cáo trước Đại hội, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG cho biết, trong năm 2015, Tập đoàn vượt mức doanh thu 1,2 tỷ USD, vượt 24% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 3.504 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch. Trong đó, ngành sản xuất thép vẫn là mảng sản xuất kinh doanh đóng góp lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận và doanh thu của Công ty. Trong năm 2015, sản lượng tiêu thụ ống thép Hoà Phát tăng trưởng 40%, đạt 7.000 tỷ đồng doanh thu và tiếp tục dẫn đầu thị phần tiêu thụ ống thép trong cả nước.
Ông Dương cho biêt, Ban lãnh đạo Tập đoàn nhận định, năm 2016 vẫn tiếp tục là năm khó khăn với ngành thép trong nước trước sức ép dư cung rất mạnh của Trung Quốc và cũng là năm tiền đề để Hoà Phát triển khai các dự án về chăn nuôi, tiếp tục đầu tư dự án bất động sản nhà ở tại 493 Trương Định và dự án thép giai đoạn 3 đi vào hoạt động từ quý I/2016, đóng góp thêm 600.000 tấn phôi thép.
HPG cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2016, tập đoàn đã xác định cần phải thực hiện tiêu thụ hàng hoá, giảm lượng hàng hoá tồn kho giá cao, linh hoạt các phương án mua quặng từ bên ngoài….
Ông Doãn Gia Cường, Phó chủ tịch HĐQT HPG cho biết, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội đến từ TPP, vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thì năm 2016 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như biến động tỷ giá, mức độ cạnh tranh gia tăng sự biến động khó lường của giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Dựa trên những đánh giá chung về những thuận lợi và khó khăn, HĐQT HPG định hướng, trong năm 2016 sẽ tiếp tục tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đẩy mạnh các ngành hàng mới như thức ăn chăn nuôi, nghiên cứu, tìm hiểu thận trọng, nhưng quyết liệt trong hoạt đông chăn nuôi…