Xuất siêu 1 tỷ USD
Tại hội nghị giao ban tháng 3/2014 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sáng 25/3, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2014 tăng 4,96%; trong khi đó, GDP quý I/2012 tăng 4,75%, quý II/2013 tăng 4,76%.
Cụ thể, quý I/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 4,9% cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp lớn vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Ba tháng đầu năm, cả nước xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, khu vực FDI và dầu thô xuất siêu khoảng 3,92 tỷ USD, khu vực DN trong nước nhập siêu gần 2,91 tỷ USD.
Trong quý I, cả nước có 18.358 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số DN và 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, có 16.745 DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động; số DN gặp khó khăn, ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động là 4.622 DN, tăng 48,9% so với quý IV/2013.
Nhận định về những số liệu kinh tế trên, ông Võ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, từ cuối năm 2013 đến nay, nền kinh tế nước ta đã cho thấy đà tăng trưởng đang quay trở lại trên cả 3 trụ cột chính là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, trong đó tăng trưởng công nghiệp - xây dựng vẫn là động lực chính của nền kinh tế. Diễn biến kinh tế quý I cho thấy rõ hơn xu hướng này.
Đồng tình với nhận định trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, trên lĩnh vực nông nghiệp, vụ Đông Xuân tại đồng bằng sông Cửu Long được mùa, lượng gạo thương phẩm đạt hơn 3,6 triệu tấn. “Nếu tình hình vẫn diễn biến khả quan như hiện tại, lĩnh vực nông nghiệp năm nay sẽ tiếp tục bình ổn, hỗ trợ cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát”, vị đại diện bộ này cho biết.
CPI tăng thấp
Đặc biệt, về giá cả, theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3 của cả nước giảm 0,44% so với tháng trước. Đóng góp lớn cho mức giảm khá mạnh này là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giảm 0,96%. Trong nhóm hàng này, lương thực giảm 0,23%, thực phẩm giảm 1,54%, còn ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,09%.
Tổng cục Thống kê còn ghi nhận các nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; bưu chính - viễn thông cũng giảm giá. Cụ thể, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,74%; giao thông và bưu chính - viễn thông cùng giảm 0,03%.
Các nhóm hàng còn lại, tuy có tăng giá, nhưng mức tăng rất thấp. Tăng cao nhất cũng chỉ là nhóm đồ uống và thuốc lá, tăng 0,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình 0,16%; thuốc và dịch vụ y tế 0,07%...
Với kết quả này, lạm phát cộng dồn sau 3 tháng đầu năm hiện mới chỉ ở mức 0,8%, một mức tăng rất thấp so với 10 năm trở lại đây. Năm ngoái, CPI tháng 3 tăng tới 2,39% so với tháng 12/2012.
Lý giải nguyên nhân khiến CPI tăng thấp, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, do nguồn cung dồi dào, sự kiểm soát, điều phối tốt của Chính phủ, nhu cầu tiêu dùng tăng không cao như năm trước, người dân chi tiêu ngày càng tính toán, hiệu quả hơn. Đồng thời, mức tăng thu nhập năm nay không cao như mọi năm nên người dân cân nhắc và tiết kiệm hơn.
Đồng tình với nhận định trên, ông Bùi Hà cho rằng, mặc dù giảm so với tháng trước, nhưng nếu so với cùng kỳ, CPI tháng 3 năm nay tăng 4,39%. Còn nếu tính trung bình, CPI 3 tháng đầu năm nay tăng 4,83% so với 3 tháng đầu năm ngoái. “Tốc độ lạm phát của nước ta vẫn còn cao so với mức độ lạm phát bình quân nhiều khu vực trên thế giới, chứ không phải như lo ngại của nhiều người về tình trạng giảm phát”, ông Hà nhận định.
Với quan điểm thận trọng hơn, đại diện Bộ Công thương đặt vấn đề, con số thống kê và nhận định của các cơ quan quản lý ngành đang rất khác nhau. “Ví dụ như thị trường bất động sản, theo nhận định của Bộ Xây dựng mới đây thì thị trường này đang ấm dần lên, tại một số khu vực còn có hiện tượng tăng giá, trong khi theo Tổng cục Thống kê thì thị trường này lại đang tiếp tục giảm giá”, vị đại diện này nói và cho rằng, dù tình hình đã sáng hơn, nhưng tốt xấu còn đan xen và không thể chủ quan với nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại.