Quý I/2011, VNDS lỗ 42,3 tỷ đồng

Quý I/2011, VNDS lỗ 42,3 tỷ đồng

Quý I, công ty chứng khoán lỗ lớn

(ĐTCK-online) Lợi nhuận công bố trong quý I/2011 của hầu hết CTCK đang niêm yết trên sàn đều gây thất vọng lớn cho các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu của nhiều CTCK chỉ còn từ đầu 2 trở xuống. Thời hoàng kim ngày nào của cổ phiếu chứng khoán đã quá xa vời.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2011 mà các CTCK vừa công bố thì chỉ có HCM và KLS là có lãi. Còn lại, những CTCK khác như SSI, VND, AVS đều công bố mức lỗ từ vài chục cho đến cả trăm tỷ đồng. CTCK đầu ngành như SSI lần đầu tiên cũng chịu chung tình cảnh với kết quả thua lỗ 102 tỷ đồng trong quý I.

Đối với HCM và KLS, mặc dù công bố lãi, nhưng mức lãi không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư. Cụ thể, lợi nhuận của HCM giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước; còn KLS chỉ lãi vỏn vẹn 30 tỷ đồng nhờ vào gần 2.000 tỷ đồng gửi tiết kiệm.

Những CTCK khác như WSS, APG, APS dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2011, nhưng nhiều nhà đầu tư e ngại, khả năng thua lỗ là rất cao. Quý trước đó (quý IV/2010), các công ty này đều thua lỗ: WSS lỗ 41 tỷ đồng, APG lỗ 3,19 tỷ đồng, APS lỗ 16,57 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ của các CTCK không nằm ngoài lý do TTCK Việt Nam quá xấu trong suốt quý I/2011. Mặc dù VN-Index chỉ giảm hơn 10%, nhưng HNX-Index đã giảm gần 30%. Nhiều cổ phiếu có mức giảm giá từ 40 - 50%. Điều này khiến cho hoạt động tự doanh của các CTCK đều khó khăn và thua lỗ. Nhiều CTCK phải gia tăng các khoản trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu. SSI là một trong những công ty trích lập dự phòng lớn nhất, với gần 350 tỷ đồng vào cuối quý I. Do báo cáo tài chính quý I không yêu cầu phải soát xét nên có khả năng các công ty chưa trích lập dự phòng đầy đủ. Hơn nữa, nhiều cổ phiếu trên thị trường OTC không có giao dịch, nên việc xác định trích dự phòng bao nhiêu cũng là một điều khó khăn.

Số liệu dự phòng ngắn hạn của các công ty chứng khoán

 

Doanh thu QI

Lợi nhuận QI

Dự phòng cuối kỳ

Dự phòng trong QI/2011

 

2010

2011

2010

2011

QIV/2010

QI/2011

SSI

450,1

232,1

270,7

-102

-227,9

-344,2

-116,3

HCM

106,3

96,5

55,2

41,7

-69,1

-49,4

19,7

VND

143,6

83,3

81,9

-42,3

-94

-144,2

-50,2

KLS

67,3

90,1

11,9

30,2

-89,1

-124,3

-35,2

AVS

21,5

9,6

6,1

-12,9

-11,1

-20,9

-9,8

Bên cạnh đó, thanh khoản của cả 2 sàn giảm xuống mức thấp, trong khoảng 500 - 700 tỷ đồng/phiên, khiến cho doanh thu từ hoạt động môi giới giảm mạnh. Các hoạt động tư vấn phát hành, tư vấn niêm yết cũng không mang lại nhiều lợi nhuận khi doanh nghiệp hạn chế phát hành và lên sàn, nhà đầu tư sợ phải mua cổ phiếu.

Đáng lưu ý, có thể có một phần dự phòng lớn mà nhiều CTCK chưa muốn trích lập dự phòng hoặc chưa muốn công bố về khoản thua lỗ này. Đó là dự phòng đối với các khoản phải thu khó đòi khi cho nhà đầu tư vay. Theo báo cáo của CTCK VNDirect (mã VND), dự phòng phải thu khó đòi đến thời điểm 31/3/2011 là 14,8 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2010. Điều này có thể do Công ty không muốn trích thêm dự phòng với những khoản phải thu mới phát sinh trong quý I/2011 hoặc không có khách hàng nào rơi vào tình trạng này. Nhưng khả năng đầu dễ xảy ra hơn, CTCK chưa muốn trích dự phòng nhằm tránh để cho báo cáo quý I xấu hơn, bởi TTCK hiện nay đã xấu hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2010.

Triển vọng của TTCK từ nay đến cuối năm theo nhiều nhận định là khá mờ mịt. Lạm phát vẫn đang ở mức cao, lãi suất đi vay cao buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Lãi suất cho vay cao còn bóp chặt dòng tiền đầu tư vào TTCK. Lãi suất cho vay để thực hiện các dịch vụ chứng khoán của CTCK đã được nâng lên 24 - 27%/năm. Điều này càng khiến cho nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để đầu tư. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại đang chịu áp lực lớn trong việc giảm dư nợ cho vay phi sản xuất xuống dưới mức 22% vào cuối tháng 6/2011 và xuống mức 16% vào cuối năm nay. Để có thể thực hiện được điều này thì các ngân hàng thương mại sẽ buộc phải lựa chọn cắt giảm cho vay đầu tư cổ phiếu, TTCK vì thế thiếu đi một điều kiện để tăng trưởng.

Như vậy, khi TTCK tiếp tục "teo tóp" thì lợi nhuận của các CTCK còn bị ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo tài chính quý II/2011 sẽ phải thực hiện việc soát xét nên bức tranh về lợi nhuận trong quý II nhiều khả năng vẫn mang màu xám.