Để thúc đẩy việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, nhằm đảm bảo tính liên thông và đồng bộ cho triển khai các luật này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn 789/TTg-PL ngày 14/5/2016 đôn đốc các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Trong số các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư (quy định mới về điều kiện đầu tư kinh doanh) có dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự thảo này.
“Tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện lên Chính phủ xem xét ban hành”, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề: Các giải pháp của Bộ Tài chính triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, do Bộ Tài chính tổ chức vừa diễn ra.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán tại cuộc họp báo: liệu Nghị định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện có kịp ban hành trước ngày 30/6, để đáp ứng yêu cầu văn bản này có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Đầu tư như chỉ đạo của Thủ tướng hay không, ông Lợi cho hay, với các điều kiện, đầu tư kinh doanh đang được quy định ở cấp thông tư của Bộ Tài chính nói riêng, các bộ, ngành khác nói chung, thì theo chỉ đạo của Chính phủ phải nâng cấp lên thành các nghị định để trình Chính phủ ban hành trước ngày 1/7/2016. Theo đó, các văn bản hướng dẫn phải đảm bảo các quy định của Luật Đầu tư đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đồng thời tránh tạo “khoảng trống” pháp lý về điều kiện đầu tư kinh doanh.
“Tuy nhiên, với các nghị định quy định lần đầu về các điều kiện đầu tư, kinh doanh hoàn toàn mới như dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, thì không nhất thiết đáp ứng điều kiện phải ban hành trước ngày 1/7, mà khi nào Chính phủ ban hành, thì lúc đó được phép triển khai”, ông Lợi nói.
Với cách chia sẻ trên của đại diện Bộ Tài chính, hiện chưa rõ thời điểm sẽ có hành lang pháp lý cho quỹ hưu trí hoạt động, mặc dù kế hoạch ra đời cơ chế này đã chậm trễ hơn hai năm, khiến các công ty quản lý quỹ, cũng như giới đầu tư, trong đó có cả quỹ đầu tư có vốn ngoại “dài cổ” chờ đợi. Nhưng với việc Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện lên Chính phủ, nhiều thành viên trên TTCK kỳ vọng, văn bản này nhiều khả năng sẽ được ban hành trong năm nay.
Việc sớm có cơ chế cho quỹ hưu trí ra đời và hoạt động được nhìn nhận là có ý nghĩa quan trọng trong hiện thực hóa các giải pháp đã được Chính phủ nêu ra tại Nghị quyết 35. Theo đó, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, điểm đáng chú ý tại Nghị quyết này là Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế đẩy mạnh thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, phát triển các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí; đẩy mạnh triển khai các mô hình quỹ tương hỗ, trình Chính phủ trong quý III/2016...
Trả lời câu hỏi, để đưa các giải pháp trên thành các quy định pháp lý cụ thể áp dụng trong thực tế, Bộ Tài chính đang làm gì, ông Lợi cho hay, Bộ đang giao cho các đơn vị chức năng triển khai khẩn trương. Tuy nhiên, các nội dung mà Chính phủ giao Bộ Tài chính tại Nghị quyết 35 về thúc đẩy phát triển TTCK là các giải pháp lớn. Có khi nội dung chỉ ngắn gọn một dòng, nhưng triển khai có thể phải bằng một văn bản pháp lý, nên đòi hỏi cần có thời gian để hoàn thiện.