Quỹ hưu trí: chính sách đã mở

Quỹ hưu trí: chính sách đã mở

(ĐTCK) Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, tạo cơ chế cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Chính sách mới này có tác động ra sao đến sự phát triển của thị trường vốn? Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính về vấn đề này.

Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (quỹ hưu trí) tại Việt Nam được thiết kế theo mô hình hợp đồng, tại sao chúng ta lại chọn mô hình này, thưa bà?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình tổ chức quỹ hưu trí rất đa dạng. Tuy nhiên, có thể phân thành 2 mô hình chính gồm: quỹ hưu trí tự nguyện được tổ chức dưới mô hình tín thác (người tham gia quỹ không có quyền sở hữu tài sản của quỹ hưu trí) và quỹ hưu trí được tổ chức theo mô hình hợp đồng.

Bà Phan Thị Thu Hiền 

Theo mô hình hợp đồng, quỹ hưu trí được quản lý bởi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí trên cơ sở hợp đồng tham gia quỹ hưu trí ký giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí với cá nhân, người lao động và người sử dụng lao động. Mô hình này được áp dụng phổ biến tại nhiều nước (Anh, Mỹ, Italia, Tây Ban Nha...), do có nhiều ưu thế hơn so với mô hình tín thác như: đảm bảo tách biệt tài sản của quỹ hưu trí với tài sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, người sử dụng lao động; tách biệt người sử dụng lao động với việc quản lý quỹ hưu trí; giảm thiểu chi phí, thời gian và rủi ro ảnh hưởng đến uy tín của người sử dụng lao động trong việc vận hành quỹ hưu trí; dễ dàng và thuận tiện trong triển khai, cho phép người lao động tại nhiều doanh nghiệp khác nhau cùng tham gia một quỹ hưu trí; khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân tham gia trực tiếp.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá khả năng thực hiện ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo mô hình hợp đồng. 

Ngoài góp phần cải thiện an sinh xã hội nhờ dần thiết lập hệ thống hưu trí đa trụ cột, theo bà, sự ra đời của quỹ hưu trí sẽ góp phần thúc đẩy thị trường vốn phát triển ra sao?

Thị trường vốn Việt Nam (gồm thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu) đã và đang phát triển với tốc độ nhanh trong những năm gần đây. Tuy tăng trưởng mạnh về quy mô, nhưng tỷ trọng tham gia của các nhà đầu tư tổ chức có vốn dài hạn còn khiêm tốn. Với thị trường trái phiếu, các tổ chức tín dụng nắm giữ khoảng 76% dư nợ trái phiếu Chính phủ. Sự tham gia của các quỹ đầu tư, trong đó có các quỹ hưu trí tự nguyện còn hạn chế. Với cơ cấu cơ sở nhà đầu tư như hiện nay, thị trường trái phiếu và cổ phiếu còn thiếu các nguồn vốn đầu tư dài hạn, đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội. Với thực tế này, vấn đề quan trọng hiện nay là cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển hệ thống cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn trên thị trường vốn.

Trên thế giới, quỹ hưu trí tự nguyện là tổ chức trung gian tài chính đóng vai trò huy động nguồn vốn dài hạn từ người dân để đầu tư trên thị trường tài chính, góp phần quan trọng vào phát triển thị trường này. Mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện có mối liên quan mật thiết đến thị trường tài chính và các định chế trên thị trường. Đặc biệt, quỹ hưu trí tự nguyện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu tại các quốc gia phát triển.

Do vậy, việc ra đời và vận hành hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, bên cạnh vai trò đa dạng hóa hệ thống an sinh xã hội, còn góp phần phát triển hệ thống cơ sở nhà đầu tư dài hạn trên thị trường vốn. Nguồn vốn từ các quỹ hưu trí được hình thành từ sự đóng góp của người lao động, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng lao động, sẽ được đầu tư vào các sản phẩm tài chính trên thị trường vốn, qua đó góp phần phát triển thị trường này, đặc biệt là thị trường trái phiếu Chính phủ một cách bền vững.

Đảm bảo an toàn cho quỹ hưu trí là quan trọng, nhưng quy định giá trị đầu tư trái phiếu Chính phủ tối thiểu bằng 50% trong tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí có ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của quỹ?

Theo Nghị định 88/2016/NĐ-CP, nguyên tắc hàng đầu trong hoạt động của quỹ hưu trí là tính công khai, minh bạch. Để đảm bảo nguyên tắc này, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải quy định cụ thể chính sách đầu tư (bao gồm cơ cấu và tiêu chuẩn các tài sản đầu tư) tại điều lệ quỹ. Để đảm bảo an toàn cho hoạt động đầu tư của quỹ, Nghị định 88 quy định, quỹ hưu trí chỉ được đầu tư vào các loại tài sản có tính an toàn cao gồm: tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán. Trong đó, tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng 50% trong tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí.

Liên quan đến kiểm tra, giám sát, Nghị định 88 đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng giám sát trong giám sát hoạt động của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí; đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát tuân thủ các quy định về cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí. Quy định tại Nghị định hướng tới mục tiêu đảm bảo cho các quỹ hưu trí hoạt động an toàn bền vững.

Các quy định về thuế hiện hành tuy có ưu đãi cho doanh nghiệp và người lao động tham gia quỹ hưu trí, nhưng ở mức thấp (1 triệu đồng/người/tháng - cả phần doanh nghiệp cộng với phần người lao động góp). Trong khi tinh thần của Nghị định 88/2016/NĐ-CP là Nhà nước khuyến khích phát triển quỹ hưu trí thông qua cơ chế thuế. Vậy tới đây, Bộ Tài chính có đề xuất sửa quy định về thuế theo hướng tăng ưu đãi để khuyến khích phát triển quỹ này?

Nghị định 88/2016/NĐ-CP tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thiết lập và hoạt động của quỹ hưu trí, bên cạnh sản phẩm bảo hiểm hưu trí được thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn. Trong quá trình triển khai hai loại hình sản phẩm bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, vấn đề về chính sách thuế sẽ được xem xét, đánh giá và sửa đổi (nếu cần thiết).

Tin bài liên quan