Trước đó, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013.
Sau gần 3 năm thực hiện, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều dự án ở nhiều mức độ khác nhau, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của toàn đô thị.
Sân bay Quốc tế Đà Nẵng được thiết kế với công suất phục vụ đến năm 2020 là 6 triệu lượt khách/năm, tuy nhiên đến nay đã đạt đến chỉ tiêu này
Tuy nhiên, theo lý giải của UBND TP Đà Nẵng, về quan điểm phát triển đô thị, hiện nay đã có sự thay đổi, một đô thị hiện đại và phát triển bền vững cần đảm bảo những yếu tố sau: Tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho mọi người; Cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ; Dịch vụ đô thị đầy đủ, phục vụ cho mọi người dân; Chất lượng cuộc sống tốt, phát triển đa dạng không gian công cộng, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng; Công bằng và hoà nhập xã hội, đảm bảo phân phối lợi ích công bằng cho mọi người dân; Đề cao việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Ngoài ra, việc phát triển đô thị cần gắn với đặc trưng xã hội của địa phương.
Về phát triển kinh tế xã hội, định hướng phát triển cần có sự điều chỉnh theo hướng: “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”, cụ thể tập trung ưu tiên phát triển Du lịch - Thương mại dịch vụ, khẳng định vai trò mũi nhọn kinh tế; chú trọng Công nghiệp Công nghệ cao để mang lại giá trị gia tăng lớn; đẩy mạnh Nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Đà Nẵng đã và đang triển khai các chính sách và chương trình xã hội có tính đặc thù như Chương trình xây dựng “thành phố 5 không, 3 có” (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của và có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị), “thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội).
Các Khu công nghiệp tại Đà Nẵng đã cơ bản lấp đầy, cần hình thành thêm các khu công nghiệp mới.
Hiện nay thành phố Đà Nẵng đã trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch các Khu công nghiệp mới ở khu vực phía Tây thành phố, bao gồm KCN Hòa Cầm – Giai đoạn 2 (khoảng 150 ha), Khu công nghiệp Hòa Nhơn (khoảng 523 ha), Khu công nghiệp Hòa Sơn (khoảng 152 ha) và Khu công nghiệp Hòa Ninh (khoảng 200 ha).
Cũng theo Tờ trình thì đã có nhiều phát sinh mới về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị cần có sự điều chỉnh, như: Sân bay Quốc tế Đà Nẵng được thiết kế với công suất phục vụ đến năm 2020 là 6 triệu lượt khách/năm, tuy nhiên đến nay đã đạt đến chỉ tiêu này.
Hiện nay dự án Mở rộng nhà ga hành khách quốc tế đang được triển khai gấp rút để phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2017, quy mô đạt mức tương đương 10 triệu lượt khách/năm. Mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất 20 triệu lượt khách/năm.
Cảng Tiên Sa hiện đã quá tải, đồng thời lưu lượng giao thông container từ tuyến 14B nối ra Cảng Tiên Sa đã gia tăng đến mức gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đô thị trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà.
Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang xúc tiến việc kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu với mục tiêu là Cảng hàng hoá chính của thành phố Đà Nẵng. Đến khi đó, Cảng Tiên Sa sẽ được điều chỉnh với chức năng chủ yếu phục vụ du lịch.
Việc xử lý nước thải sinh hoạt tại Đà Nẵng cũng còn bất cập do sử dụng hệ thống thu gom nước thải dùng chung. Là thành phố lấy ngành du lịch làm mũi nhọn, Đà Nẵng cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng biệt để xử lý triệt để lượng nước thải sinh hoạt đổ ra sông, biển. Hiện nay, Ngân hàng thế giới đang tài trợ đầu tư với cách tiếp cận và phương án mới hơn so với trước đây.
Việc di dời Ga đường sắt hiện hữu ra khỏi trung tâm thành phố trong Quy hoạch chung phê duyệt trước đây được xác định sẽ thực hiện sau năm 2020. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa hiện nay, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng xác định đây là dự án mang tính cấp bách của thành phố, cần sớm thực hiện trước thời hạn để góp phần hoàn thiện việc kết nối hệ thống giao thông, tạo sự liên hoàn giữa giao thông đường sắt và đường bộ, đồng thời thúc đẩy dự phát triển vùng lõi đô thị và khu vực phía Tây Bắc thành phố. Hiện nay thành phố đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới đang thực hiện nghiên cứu dự án tiền khả thi.
Thành phố Đà Nẵng là đô thị có diện tích hạn chế nên việc phát triển hệ thống không gian ngầm là xu thế tất yếu. Phát triển không gian ngầm sẽ cải thiện năng lực lưu thông cho đô thị, đặc biệt là các vị trí trọng yếu như 2 bờ Đông, Tây sông Hàn, khu vực Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, đồng thời tạo điều kiện phát triển mạng lưới dịch vụ tại các vị trí này.
Đây là vấn đề đã được đặt ra trong quá trình nghiên cứu đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng vào năm 2013, tuy nhiên tại thời điểm đó chưa đủ điều kiện và kinh nghiệm nghiên cứu.
Theo đề án Phát triển hệ thống đô thị thông minh, Đà Nẵng là một trong bốn địa phương cùng với các thành phố Huế, Hạ Long và huyện đảo Phú Quốc được triển khai thí điểm ở Việt Nam trong giai đoạn 1 (2016-2020). Hiện nay Đà Nẵng đã có những tiền đề về hạ tầng thông tin và công nghệ quản lý để có thể đáp ứng tiến độ của Đề án.
“Trước những yêu cầu của thực tế đặt ra như trên, nhằm xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, hướng đến tầm quốc tế, việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng vào thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết”- ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.