Khai mở con đường mới
Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng việc Hội đồng Thẩm định chính thức thông qua Hồ sơ Quy hoạch và Dự thảo Báo cáo Thẩm định cách đây 2 ngày, có thể nói, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“44 ủy viên, thành viên của Hội đồng Thẩm định đã nhất trí thông qua Hồ sơ Quy hoạch và Dự thảo Báo cáo Thẩm định. Như vậy, đã đủ điều kiện để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tháng 10 tới”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Tổng thể quốc gia nói.
Tất nhiên, trước khi Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo Quy hoạch sẽ phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Bởi lẽ, trong tổng số 44 ủy viên, thành viên Hội đồng Thẩm định, 37 phiếu đồng ý thông qua Hồ sơ Quy hoạch với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 84% số phiếu. Con số này với Dự thảo Báo cáo Thẩm định là 28 phiếu, chiếm 63%.
Việc phải chỉnh sửa, bổ sung là dễ hiểu, bởi không chỉ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mà cả Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nói rằng, việc lần đầu tiên xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp là mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và chưa có nhiều kinh nghiệm. Song có thể nói, với việc thông qua bước đầu này, một tương lai phát triển mới của đất nước đang được mở ra.
“Quy hoạch Tổng thể quốc gia sẽ mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới của đất nước”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Thẩm định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò của công tác quy hoạch, rằng đó giống như “người công binh mở đường”.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững, phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường. Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp chúng ta có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Quy hoạch Tổng thể quốc gia, như hầu hết các thành viên Hội đồng Thẩm định đánh giá, đã được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, bài bản, cầu thị, huy động được sự tham gia đông đảo, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế. Vì vậy, có thể nói, với dấu mốc quan trọng là Hội đồng Thẩm định thông qua, con đường phát triển mới của đất nước đang được “khai mở”.
Định hình không gian phát triển quốc gia
Quy hoạch Tổng thể quốc gia được xây dựng với một trong những mục tiêu lớn nhất, đó là phân bổ lại không gian phát triển quốc gia. Bởi thế, câu hỏi đặt ra là, không gian phát triển quốc gia sẽ được định hình như thế nào?
Một quan điểm rất rõ ràng đã được xác định ngay từ đầu, đó là trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, sẽ ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số vùng có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học - công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có. Các khu vực này sẽ phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo những vùng khác cùng phát triển, để đến giai đoạn sau năm 2030, sẽ dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.
Cũng bởi lẽ đó, hai trong số nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch Tổng thể quốc gia chính là tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng, đồng thời phát triển bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.
“Có một nội dung bao trùm ở Quy hoạch Tổng thể quốc gia là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trở thành bộ khung cho không gian phát triển quốc gia. Cần phải có tiêu chí, chỉ số để định lượng, với một trong những mục tiêu quan trọng là phải kéo giảm được chi phí logistics. Nếu hạ tầng không đồng bộ thì không thể kéo giảm được”, chuyên gia Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải nói.
Ông Khuê cũng nhấn mạnh việc cần sớm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thành trước thời điểm kỷ niệm 100 năm lập nước, bởi có tuyến đường sắt này, thì năng lực vận chuyển có thể gấp 5 lần đường bộ, đồng thời nếu kết nối được với đường sắt quốc tế, sẽ giúp kéo giảm được chi phí logistics xuống. “Chúng ta cứ nói tạo động lực cho các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhưng với giao thông đô thị hiện nay thì rất khó”, chuyên gia Lã Ngọc Khuê nói.
Trong khi đó, đề cập vấn đề không gian phát triển quốc gia, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn khi không gian biển, chiến lược biển khá “mờ” trong bản Quy hoạch. “Nhưng chiến lược biển là phải có tầm nhìn đại dương, chứ không chỉ là biển Đông. Nhật, Hàn đã vươn ra đại dương rất tốt. Còn tầm nhìn của chúng ta vẫn chỉ là khai thác thô sơ, trong khi thế giới đã thay đổi rất nhiều”, TS. Trần Đình Thiên nói.
Còn ông Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, việc xác định được các cực tăng trưởng và hành lang kinh tế là rất đúng và tốt, nhưng riêng hành lang kinh tế Đông - Tây đã có 8 cái thì quá nhiều, đến năm 2030 chỉ cần phát triển 3 hành lang.
“Nhưng hành lang kinh tế phải là hành lang kinh tế, chứ không phải là hành lang giao thông. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng nói điều này, không phải định hình phát triển hành lang kinh tế là để phát triển trục đường giao thông”, ông Giám nói.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn khẳng định, điều quan trọng là bản quy hoạch này phải làm sao khai thác được tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đất nước có thể từ nội lực phát triển đi lên.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển một số đoạn hành lang kinh tế Bắc - Nam dựa theo đường cao tốc Bắc - Nam, kết hợp với đường ven biển và ưu tiên trước 3 hành lang kinh tế Đông - Tây là: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh gắn với hành lang Côn Minh; Hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu gắn với Hành lang kinh tế xuyến Á; Hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
“Cũng không phải tập trung phát triển toàn tuyến, mà lựa chọn những hành lang có chức năng kết nối các khu công nghiệp, các khu kinh tế với các khu đô thị hiện đại… hình thành hành lang công nghiệp - đô thị để phát huy hiệu quả”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.
Tạo động lực để phát triển đột phá
Hoạch định lại không gian phát triển quốc gia, xây dựng bộ khung hạ tầng quốc gia hay các cực tăng trưởng, hành lang kinh tế…, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là để làm sao hiện thực hóa khát vọng của đất nước. Đó là đến năm 2030 là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Để làm được điều đó, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 phải đạt 7%/năm, còn giai đoạn 2031-2050 phải đạt 6,5-7,5%. Nên đưa ra mục tiêu như vậy”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nói và giải thích, nếu tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn, sẽ không thể đạt mục tiêu đề ra.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều vấn đề cần được đặt ra để khi thực thi Quy hoạch Tổng thể quốc gia, có thể tạo động lực cho sự phát triển của đất nước. “Cần bổ sung các vùng đại đô thị vào Quy hoạch, bởi các đại đô thị đóng vai trò rất lớn trong tăng trưởng kinh tế, hiện chiếm tới 70% GDP của cả nước. Trong đó, riêng Hà Nội và TP.HCM đóng góp gần 40%. Nhưng các vấn đề về ách tắc giao thông, ngập úng… đang cản trở sự phát triển của các đại đô thị này. Cần có giải pháp để xử lý”, chuyên gia Trần Trọng Hanh nói.
Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên nói rằng, nếu coi Quy hoạch Tổng thể quốc gia lần này là bước chuyển cho sự phát triển, thì phải có những thay đổi về tư duy lợi thế phát triển, không thể chỉ nhìn vào những điều kiện thuận lợi sẵn có.
“Nhiều nơi ở trong nước, như Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị đã đảo ngược được tình thế, biến khó khăn, thách thức, như gió, như nắng, như cát… thành lợi thế để phát triển. Chúng ta cũng phải đặt ra tư duy phát triển trong giai đoạn mới như vậy”, TS. Trần Đình Thiên nói và bày tỏ sự băn khoăn khi trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia lần này, vẫn chia thành 6 vùng kinh tế trọng điểm.
“Cần nghiên cứu kỹ và làm rõ, phân chia như vậy có đúng không? Vừa rồi, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam suy giảm vị thế, tốc độ tăng trưởng, trong khi nhân lực thì tinh hoa, nguồn lực được đầu tư nhiều. Vì sao lại như vậy, cần phải làm rõ”, TS. Trần Đình Thiên nói.
Trên thực tế, việc Quy hoạch Tổng thể quốc gia vẫn phân chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội là có sự kế thừa của lịch sử. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định như vậy. Bởi thế, Quy hoạch đã đề xuất phân chia thành các tiểu vùng đối với Vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Vùng Bắc Trung bộ, để tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế và xây dựng không gian phát triển phù hợp.
“Chúng ta cũng cần làm rõ hơn điểm nghẽn về các yếu tố nền tảng trong phát triển, như thể chế phát triển, nguồn nhân lực, phương thức quản trị; các vấn đề bền vững các cân đối lớn, như cân đối tích lũy - tiêu dùng; năng lượng, lương thực, cân đối thu - chi ngân sách; cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế... để đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói và một lần nữa nhấn mạnh việc cần phải tập trung phát triển hạ tầng cơ sở để tạo nền tảng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các bộ, ngành được đưa ra như vậy. Rất cầu thị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia trong phạm vi của Quy hoạch Tổng thể quốc gia để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Tổng thể quốc gia đạt chất lượng cao nhất, trình Chính phủ xem xét thông qua và trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp thứ 4.
“Đối với những ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung chi tiết, cụ thể về định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực, chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu tối đa các ý kiến xác đáng, đồng thời đề nghị đưa vào nội dung các quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh do phạm vi khái quát và chiến lược của Quy hoạch Tổng thể quốc gia”, Bộ trưởng khẳng định.
Nói như vậy là bởi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch Tổng thể quốc gia không được chung chung quá, vì sẽ giống Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng không được cụ thể quá, vì sẽ trùng lắp với quy hoạch ngành và “làm khó” cho quá trình thực thi.