Đại biểu quốc hội cho rằng cần có chiến lược phát triển kinh tế biển (Ảnh minh hoạ)

Đại biểu quốc hội cho rằng cần có chiến lược phát triển kinh tế biển (Ảnh minh hoạ)

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chú trọng đến việc phát huy các nguồn lực của nền kinh tế để hướng đến phát triển “kinh tế xanh”, “kinh tế số” và có định hướng phát triển không gian biển…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thảo luận tại tổ sáng nay (6/1) về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và có chiến lược cụ thể phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu.

Tập trung khai thác thế mạnh kinh tế biển

Sáng 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch).

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc rất công phu, khoa học.

ĐBQH Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội)

ĐBQH Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội)

Tuy nhiên, vị đại biểu đóng góp ý kiến, Quy hoạch cần chú trọng đến việc phát huy các nguồn lực của nền kinh tế để hướng đến phát triển “kinh tế xanh”, “kinh tế số” và có định hướng phát triển không gian biển.

“Việt Nam là một quốc gia biển nhưng Quy hoạch chưa làm rõ tiềm năng, thế mạnh, cũng như chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển. Cần phải bổ sung và làm rõ quan điểm này, trong đó nhấn mạnh đến bảo đảm an ninh kinh tế và môi trường biển”, ông Thi nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần quan tâm đến việc phát triển ngành du lịch biển của Việt Nam, theo đó cần tạo sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, cần chú trọng quy hoạch các cảng - hải cảng ven biển để trở thành nơi thu hút phát triển kinh tế, du lịch.

Ông Cường cũng đánh giá cao các nội dung được đề cập trong Quy hoạch, song ông cho rằng, bản Quy hoạch chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia.

"Cụ thể, các thành phần kinh tế 'độc lập, tự chủ, tự cường' thì dựa vào đâu để phát triển? Chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào?... Những vấn đề này chưa được đề cập trong Quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ", đại biểu đoàn Hà Nội lưu ý.

Toàn cảnh họp tổ Hà Nội bàn về Quy hoạch quốc gia sáng 6/1

Toàn cảnh họp tổ Hà Nội bàn về Quy hoạch quốc gia sáng 6/1

Đại biểu cũng cho rằng, trong Quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì, ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế?

Về vấn đề kinh tế biển, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã rất công phu, khoa học khi xây dựng Quy hoạch, trong đó đã đề cập đến không gian biển cho các ngành lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển.

Tuy nhiên ông lưu ý, cần có quy hoạch tổng thể để phát triển ngành thủy hải sản; quy hoạch không gian phát triển của các đảo, hải đảo không chỉ để phát triển kinh tế mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời, làm thế nào để hậu cần nghề cá phát triển tại các đảo để giúp ích cho phát triển lĩnh vực này.

Kinh tế cửa khẩu chưa thực sự trở thành động lực

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, việc quy hoạch biên giới quốc gia cũng như định hướng phát triển cửa khẩu biên giới có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, Quy hoạch cần hướng đến việc tạo điều kiện cho người dân sinh sống, làm việc gần biên giới tốt hơn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Điều quan trọng nhất là giúp người dân sống đoàn kết và cùng nhau bảo vệ chủ quyền biên giới hòa bình, an toàn. Để làm được điều đó, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần dành nhiều nguồn lực ưu tiên hơn nữa cả về đầu tư cơ sở hạ tầng đến cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển về mọi mặt cho người dân sinh sống tại các vùng biên.

Cũng nêu ý kiến đóng góp vào quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang) cho biết, hiện nay đang có 168 cửa khẩu các loại gồm đất liền, cảng biển, cảng hàng không.

Trong đó, Bộ đội biên phòng trực tiếp quản lý 154 cửa khẩu, bao gồm cả đất liền, cảng biển; còn lại 10 cửa khẩu hàng không và 4 cửa khẩu cảng nội địa thì do Bộ Công an quản lý.

"Song công tác quy hoạch cửa khẩu hiện nay đang tách rời, chưa thành một thể thống nhất hệ thống cửa khẩu trong cả nước", ông Chiến nêu quan điểm.

Theo ông Chiến, Quy hoạch nêu rõ mục tiêu đầu tư hạ tầng cửa khẩu hiện đại để đảm bảo an ninh biên giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang)

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang)

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng, hiện đang có 27 khu kinh tế cửa khẩu biên giới đất liền, hoạt động hàng chục năm nay, song cơ bản các khu kinh tế cửa khẩu này chưa thực sự trở thành động lực lớn để phát triển các khu kinh tế biên giới.

“Nhiều lúc đầu tư hạ tầng rất lớn nhưng cuối cùng lại không thu hút được đầu tư nước ngoài vào khu vực này”, ông Chiến nói và cho rằng, những cửa khẩu nào đang phát triển tốt, lưu lượng hàng hóa xuất nhập cảnh lớn và có khả năng phát triển thì chúng ta cần đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực của Nhà nước cũng như của xã hội.

Nêu số liệu trong báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải nâng cấp và mở mới 63 cửa khẩu, trong đó nâng cấp và mở mới cửa 21 cửa khẩu chính và 22 cửa khẩu phụ quốc tế, vị đại biểu cho rằng đây là số liệu cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ bởi việc mở, nâng cấp cửa khẩu có quy trình rất phức tạp, mất thời gian 2-5 năm.

“Việc đưa ra các số liệu mở hay nâng cấp các cửa khẩu chỉ nên là tương đối, không nên ấn định cụ thể”, vị đại biểu nêu quan điểm.

Cần có định lượng, chương trình hành động, phương án cụ thể

Cũng thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này giống như “sách trắng” của Chính phủ, trong đó đưa ra những khuyến cáo nhiều hơn là một bản quy hoạch do còn thiếu định lượng, thiếu những chương trình hành động, phương án cụ thể, dự án trọng điểm để hình thành hình dáng phát triển của đất nước đến năm 2050.

Cụ thể, ông Trúc Anh băn khoăn về con số tăng trưởng bình quân GDP 6,5 - 7,5% và thu nhập bình quân đầu người là 27.000 - 32.000 USD vào năm 2050. "Quy hoạch mục tiêu cả nước đến năm 2050 như vậy thì cần làm rõ các cực tăng trưởng như TP. Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh phải đạt GDP và thu nhập bình quân bao nhiêu?", ông nói.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh

Theo kinh nghiệm của vị đại biểu, muốn đạt mức tăng trưởng GDP 6,5 - 7,5% và thu nhập bình quân đầu người 27.000 - 32.000 USD thì các cực tăng trưởng như TP.HCM và Hà Nội phải đạt gấp đôi chỉ tiêu chung thì mới kéo được GDP cả nước lên.

Ngoài ra, ông Trúc Anh cũng cho rằng, đi kèm với Quy hoạch cần có kịch bản phát triển trong đó chỉ rõ sẽ tập trung vào ngành, lĩnh vực nào. Các chỉ tiêu của quy hoạch cũng phải đưa ra cụ thể từng giai đoạn thì mới giám sát thực hiện được.

Đặc biệt, ông Trúc Anh băn khoăn mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa 70 - 75%. Điều này đồng nghĩa sẽ có 75% dân số sống trong lĩnh vực phi nông nghiệp và chúng ta sẽ đánh đổi đất nông nghiệp để dành đất cho phát triển đô thị. Theo vị đại biểu này, đây là vấn đề cần tính toán kỹ để không mâu thuẫn với chủ trương phát triển nông nghiệp và giữ gìn thiên nhiên, tài nguyên đất cho tương lai.

Dự kiến, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào sáng 7/1 sau đó được bấm nút thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần hai vào chiều 9/1.

Tin bài liên quan