Chiều 12/7, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng.
“Công tác quy hoạch là cơ hội tốt để sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện”, ông Phương khẳng định.
Đối với tỉnh Tiền Giang, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bối cảnh lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang có nhiều thuận lợi, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng ĐBSCL đã xác định rất rõ về vị trí, vai trò của tỉnh Tiền Giang đối với vùng ĐBSCL và cả nước.
Thứ trưởng phân tích, Tiền Giang có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch, nằm trên trục giao thông quan trọng, cách TP.HCM 70 km về phía Nam và cách Thành phố Cần Thơ 100 km về phía Bắc, là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM cả về đường thủy và đường bộ.
Giai đoạn 2011 - 2020, tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang đạt 6,55%/năm, cao hơn mức bình quân chung (vùng đạt khoảng 6,15%/năm; cả nước đạt 6,21%/năm). Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã có sự tăng trưởng vượt bật đạt 7,02% so với 2021, đây là một tín hiệu tích cực phản ánh sự quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng cho rằng, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tỉnh Tiền Giang cần phải xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng, trong đó đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang đang đứng trước nhiều cơ hội quan trọng cần nắm bắt để bứt phá phát triển trong bối cảnh thuận lợi là Trung ương đang quan tâm đầu tư lớn cho ĐBSCL.
Ông Vĩnh cho biết, sau 2 năm triển khai, xin ý kiến góp ý, đến nay, tỉnh đã có bản Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Tiền Giang dày gần 1.000 trang thể hiện tâm huyết, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh và đóng góp các bộ, ngành, các tỉnh lân cận, các sở, ngành, địa phương.
Theo dự thảo Quy hoạch, tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, là một trong những cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, giữ vai trò là cầu nối giữa ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ; nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đặc thù; phát triển tỉnh Tiền Giang trở thành một trung tâm du lịch cấp quốc gia. Kinh tế biển, kinh tế đô thị trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả, với trọng tâm là hội nhập quốc tế, tận dụng nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, bền vững.
Về mục tiêu cụ thể (2021 - 2030) Quy hoạch đề ra 22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030 mang tính quyết định với tốc độ tăng trưởng đề ra khá cao là 8,0 - 9,0%/năm, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong điều hành của các cấp, các ngành. Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 140 - 145 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hóa tính theo khu vực toàn đô thị đến năm 2030 là khoảng 45 - 47%, Tỉnh tiếp tục duy trì, giữ vững tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng giao thông: phát triển đồng bộ và tích hợp các phương thức kết nối với hệ thống vùng và quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng các ngành khác. Thúc đẩy kinh tế số, phát triển đóng góp 15% vào năm 2025, và đạt 25% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn khoảng 1,1%; năm 2030 giảm còn 0,7%.
Các đột phá tập trung vào giải quyết các điểm nghẽn, trong đó coi trọng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logicstics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp đa ngành đi đối với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn bị tốt hạ tầng kinh tế nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Đối với các khu vực động lực phát triển, ông Vĩnh cho biết, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung phát triển theo 7 hành lang kinh tế cấp vùng đi qua Tiền Giang, xác định 9 vùng công năng tương ứng với những chiến lược phát triển kinh tế và không gian khác nhau.
Tiền Giang cũng định hướng “Ba tâm” gồm Trung tâm đô thị tổng hợp đa ngành Mỹ Tho; Trung tâm kinh tế biển Gò Công và Trung tâm công nghiệp lớn cấp vùng ở Tân Phước. Hình thành 3 vùng vùng kinh tế - đô thị là: (i) Vùng trung tâm: thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo; (ii) Vùng phía Tây: huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước; (iii) Vùng phía Đông: huyện Gò Công, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông.
Đặc biệt, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển mới dọc sông Tiền thành một trục đô thị quan trọng của vùng TP.HCM, gắn với các điểm đô thị du lịch nhỏ và cù lao sông.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, “Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho tỉnh Tiền Giang”.