Hội thảo Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thách thức từ hạ tầng thủy lợi
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì Hội thảo Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch).
Hội thảo nhằm lấy ý kiến các địa phương, cơ quan liên quan, chuyên gia… để Quy hoạch phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong lưu vực sông Cửu Long, cũng như các yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hiện nay hạ tầng thủy lợi khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều ô bao, bờ bao kiểm soát lũ còn chưa bảo đảm tiêu chuẩn ngăn lũ, nguy cơ ngập vẫn thường xuyên xảy ra.
Đồng thời, việc thiếu trạm bơm tiêu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các khu vực nền địa hình thấp trũng, ảnh hưởng giáp nước, khó tiêu thoát ở khu vực Long Mỹ, Vị Thủy - Hậu Giang; Ngã Năm, Thạnh Trị, Châu Thành - Sóc Trăng…
Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam (đơn vị tư vấn Quy hoạch) thông tin, hiện các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư còn chưa hoàn chỉnh, hệ thống kênh nội đồng không được nạo vét theo định kỳ, trạm bơm tưới chưa được đầu tư… nên tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô vẫn xảy ra.
Trong khi đó, các khu vực đô thị như Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Tân An… chưa được đầu tư hệ thống chống ngập, tình trạng ngập ngày càng nặng. Vùng Tứ giác Long Xuyên tuy đã đầu tư các công trình kiểm soát lũ đầu mối, tuy nhiên vẫn chưa khép kín (còn hở các cửa kênh thông với sông Hậu) nên chưa hoàn toàn chủ động kiểm soát lũ vào nội đồng.
Hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Chính vì vậy, thủy lợi vừa phải bảo đảm chủ động nguồn nước phục vụ kinh tế - xã hội trong mọi tình huống bất lợi; vừa gắn với không gian sống, không gian văn hóa – du lịch…
“Trước những thách thức và xây dựng chiến lược đến năm 2050, tầm nhìn về Quy hoạch thủy lợi cần dài hạn, đề xuất được các bước đi, những việc cần làm để tăng tính chủ động ứng phó với các vấn đề bất định của vùng như: Biến đổi khí hậu, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn, các thay đổi, tiến bộ về khoa học công nghệ và cả biến động về thị trường…”, ông Dũng chia sẻ.
Xây dựng nội dung cụ thể
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho hay, điểm mới của Quy hoạch này là bước đầu hình thành các hệ thống kiểm soát nguồn nước theo quy mô lớn, liên vùng (vùng Hữu sông Hậu, vùng Tả sông Tiền...). Các công trình cống lớn kiểm soát cửa sông cũng được tính toán, đánh giá hiệu quả vận hành kỹ hơn (cống Vàm Cỏ, Hàm Luông), làm cơ sở đề xuất đầu tư, xây dựng.
Ngoài ra, do nhu cầu thực tế của việc nuôi trồng thủy sản cần nước ngọt pha loãng, hoặc các khu vực sản xuất tôm – lúa cần hỗ trợ cấp nước ngọt cho vụ lúa, quy hoạch lần này đã đề xuất 2 hệ thống chuyển nước cho vùng Nam Cà Mau và Nam Quốc lộ 1A Bạc Liêu.
Về vấn đề cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, quy hoạch lần này đề xuất mô hình cấp nước biển từ khoài xa bờ bằng trạm bơm và đường ống trực tiếp cho các khu nuôi, hệ thống kênh sẽ chỉ còn nhiệm vụ tiêu thoát nước (mô hình cấp thoát tách rời hoàn toàn).
Một số khu vực có điều kiện hệ thống thủy lợi tương đối thuận lợi sẽ thí điểm bố trí hoàn thiện hệ thống công trình (cống, kênh), vận hành hệ thống để cấp thoát tách rời (khu Nam quốc lộ 1 Bạc Liêu, khu ven biển Vĩnh Châu Sóc Trăng, khu An Minh – An Biên Kiên Giang).
Cần quy hoạch thủy lợi đa mục tiêu, đa giá trị gắn với bảo tồn văn hóa, dịch vụ, du lịch... |
Giải pháp cho các vùng còn lại là đầu tư các tiểu ô thủy lợi khép kín để chống ngập, vận hành tiêu thoát; mô hình sản xuất là nuôi thủy sản nước mặn; tăng cường nạo vét các trục kênh để tăng trao đổi nước, hạn chế tác động do nước quá mặn vì bị bốc hơi trên ruộng; các ô bao sẽ chủ động trữ nước mưa trên hệ thống kênh để hỗ trợ sản xuất thêm.
Cần nhanh chóng thực hiện để đối phó với thời tiết khắc nghiệt
Theo đại diện các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc thực hiện Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến độ của Quy hoạch, do quá trình biến đổi khí hậu tác động không nhỏ vào nền kinh tế, xã hội của từng địa phương.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin, nhiều khu vực tại địa phương bị ngập lụt do vùng trũng không đều, thời gian nhiễm mặn không cố định khiến địa phương rất khó kiểm soát, người dân khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Do vậy, Sóc Trăng mong muốn quy hoạch xây dựng các cống, hồ chứa nước ngọt trong thời gian tới.
Đồng tình với ý kiến, ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Với tình hình biến đối khí hậu hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đang có ý tưởng khai thác sông Măng Thít với diện tích trên 61 ha làm hồ trữ nước ngọt phục vụ nông nghiệp, sinh hoạt, giao thông, phát triển kinh tế…bằng giải pháp xây âu thuyền 2 đầu sông và thực hiện sau năm 2030.
Ngoài ra, trước tình trạng xâm nhập mặn trên các tuyến sông chính tăng cao kết hợp triều cường lấn sâu vào kênh, mương nội đồng khiến đời sống, sản xuất của người dân Bến Tre gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nêu thách thức, khó khăn nhất hiện nay là tình trạng nước biển dâng, việc sử dụng nước ngọt thượng nguồn ở một vài quốc gia, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.
“Giai đoạn 2015-2016 được nhận định là đợt nhiễm mặn kỷ lục, hàng trăm năm mới diễn ra 1 lần. Tuy nhiên, sau 4 năm tình trạng nhiễm mặn này lại diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn. Sau 4 năm tiếp theo lại diễn ra tình trạng nhiễm mặn như năm 2015-2016 và diễn biến trong thời gian tới là khó đoán định”, ông Cảnh chia sẻ.
Thiếu nước ngọt, việc sử dụng nước ngầm nhiều hơn dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở. Vì vậy, nếu không có giải pháp căn cơ hơn thì đến năm 2050 hoặc năm 2100, Bến Tre nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ sẽ gặp tác động nhiều hơn nữa.
Vì vậy ông Cảnh cho rằng, việc quy hoạch một số hồ nước lớn sẽ khó khả thi vì gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng và vận chuyển nguồn nước. Do đó, nếu từng địa phương có các hồ nước nhỏ để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt thì sẽ chủ động hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay, quy hoạch phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có đầy đủ. Vì vậy, làm sao các vấn đề đặt ra trong quy hoạch phải giải quyết được mâu thuẫn, khó khăn cơ bản của từng địa phương.
Đặc biệt, quy hoạch này phải gắn kết, phù hợp và đồng bộ với các quy hoạch trước đó đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt (quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành thủy lợi, phòng chống thiên tai quốc gia; quy hoạch của địa phương).