Các ý kiến của đại biểu đều thống nhất đánh giá vai trò của thủy điện trong phát triển kinh tế xã hội những năm qua. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dư địa tiềm năng phát triển thủy điện đã hết, còn lại là chủ yếu là dự án nhỏ và kém hiệu quả.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo đánh giá Việt Nam có lưu lượng nước gồm 70% bên ngoài chảy vào, phần ở Việt Nam do địa hình đất nước do dài, hẹp nên dòng thác phục vụ thủy điện có mức độ vừa phải và đã sử dụng gần hết. Hiện nay thủy điện chiếm gần 50% sản lượng điện trong nước nhưng quy hoạch đến năm 2020 chỉ còn dưới 20%.
“Chúng ta đang đối mặt với khía cạnh tiêu cực của dự án thủy điện nhỏ nhất là khu vực miền Trung”, đại biểu Thảo nói.
Đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng chúng ta chưa chỉ ra đầy đủ những bất ổn về kinh tế xã hội tại một số dự án nhất là ở dự án nhỏ, gây mất an toàn cho dân cư, tác động tiêu cực đến kinh tế chua được kiên quyết loại bỏ, nhiều dự án phá hủy đến 125 ha rừng chưa kể tác hại phá đất, phá rừng, biến đổi dòng chảy, lúc thiếu nước, lúc thừa nước…
Đại biểu Nguyễn Phi Thường phân tích báo cáo của Chính phủ cho thấy có 3 lần rà soát. Lần thứ nhất, 117 bị loại nhưng lại bổ sung156 vị trí tiềm năng, tăng thêm 39 dự án, 117 dự án bị loại tổng cộng suất chỉ có 617 MW, trung bình 5,5MW/ dự án. 156 điểm tiềm năng bổ sung có công suất trung bình 2,2MW/dự án. Dự án quá nhỏ vẫn được duyệt rồi sau đó mới loại.
Lần 2, có 405 dự án và 172 điểm tiềm năng bị loại ra, trong đó 172 điểm này có thuộc 156 bổ sung lần 1 không? Nếu có tại sao lại bổ sung?
Lần 3, có 424 dự án và 136 tạm dừng, 158 dự án tiếp tục rà soát. Con số dự án tăng bất thường cho thấy nếu rà soát nghiêm túc và đến cùng chưa biết có bao nhiêu dự án bị loại bỏ.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường đặt vấn đề phải chăng chúng ta dễ dàng đưa vào quy hoạch rồi lại dễ dàng đưa ra quy hoạch thủy điện? Vậy trên cơ sở nào đưa vào, đưa ra? Trong báo cáo của Chính phủ có đề cập tiêu chí, tiêu chuẩn của 3 lần rà soát nhưng vẫn chỉ tiêu chí đó lần thì đưa vào, lần thì đưa ra.
Có nhiều điểm “mờ” khó lý giải trong công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch. Công tác thẩm tra, phê duyệt, rào soát điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng thủy điện đáng báo động, không thể an toàn an tâm như báo cáo.
Nhiều ý kiến đại biểu cho biết có tình trạng lợi dụng đầu tư thủy điện để thu lợi ích khác như phá rừng, khai thác gỗ, lâm sản, lấy đất chứ không phải đầu tư thu lợi từ thủy điện. Số quy hoạch được phê duyệt là 1.239 dự án, tính trung bình 22MW/dự án mà theo thông lệ dưới 30MW là thủy điện nhỏ. Như vậy, quá nhiều dự án công suất nhỏ được phê duyệt, đang tốn quá nhiều chi phí và hậu quả để xây dựng.
Mặc dù đã 20 năm phát triển thủy điện, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về công trình thủy điện chưa có. Vừa qua, Bộ Công thương và Bộ Xây dựng mới báo cáo đang được rà soát lần cuối để chuẩn bị ban hành. Và thực tế là phó mặc thủy điện nhỏ cho địa phương nên mới có sự cố vỡ đập, chất lượng công trình thấp…
Đồng thời, khía cạnh môi trường, biến đổi an sinh xã hội… đặc biệt là hủy hoại rừng chưa được xem xét thấu đáo và đáng lo ngại. Trung bình một dự án thủy điện phá hủy 59ha rừng tự nhiên và 1MW phá hủy 5,5ha rừng tự nhiên. Trong khi 1ha rừng tự nhiên có chất lượng yêu cầu tương đương 1 ha rừng 30 năm tuổi trồng lại.
Hàng loạt vấn đề khác cũng được các đại biểu đề cập như: chất lượng rừng trồng lại chưa được đánh giá rõ nét, tổng diện tích phá hủy và diện tích rừng trồng lại đạt chất lượng thế nào chưa được đề cập rõ. Không thể chỉ trồng đủ diện tích mà xem xét xử lý tổng thể môi trường để khôi phục nguyên trạng. Quỹ đất thiếu thì lấy đất đâu ra để trồng bù, không thể giải quyết theo kiểu chủ đầu tư chỉ cần đóng tiền quỹ là hết trách nhiệm…
Các đại biểu đều kiến nghị phải tiếp tục rà soát nghiêm túc và hạn chế, thậm chí loại bỏ hẳn thủy điện nhỏ. Đồng thời, thay đổi nguồn năng lượng để hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước như là năng lượng gió, năng lượng nước biển, điện hạt nhân…