Một góc thành phố Bắc Giang
Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với riêng Bắc Giang hay vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực thi Luật Quy hoạch trong kiến tạo không gian phát triển cho địa phương, cho vùng và tiến tới là cho quốc gia.
Cũng cần nhắc lại rằng, tiến độ lập quy hoạch hiện rất chậm. Theo quy định, tới cuối năm nay, phải hoàn thành việc lập các quy hoạch, song tới nay, mới có 4/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/5 quy hoạch vùng, 1/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Chỉ nói riêng về quy hoạch tỉnh, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tháng 3/2022, trong số 63 tỉnh, thành phố, vẫn còn 2 địa phương chưa được thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch, mà lại là 2 đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM.
Cũng may, Hà Nội vừa chính thức được thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch. Còn việc thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch của TP.HCM chỉ mới được thực hiện vào đầu tuần này.
Song từ thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch đến khi hoàn thành việc lập quy hoạch, rồi trình Chính phủ thông qua, là một khoảng thời gian khá dài.
Hiện tại, ngoài Bắc Giang, mới có 3 quy hoạch tỉnh (Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình) được thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Như vậy, vẫn còn 49/63 quy hoạch tỉnh đang được triển khai thực hiện.
Ngoài quy hoạch tỉnh, còn quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và đặc biệt là quy hoạch tổng thể quốc gia. Cả khối công việc đồ sộ cần phải hoàn tất, mà nếu chậm một ngày thì có thể lỡ những cơ hội phát triển trong tương lai.
Tuần trước, khi Chính phủ họp trực tuyến về xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia được lập là nhằm kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn. Việc bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia chính là để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điều đó cho thấy quy hoạch tổng thể quốc gia có tầm quan trọng như thế nào.
Dù mỗi loại quy hoạch có “tầm” khác nhau, nhưng đều rất quan trọng với địa phương, với ngành, với từng vùng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng từng nói, quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, nhà đầu tư tốt.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần chia sẻ lý do phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh. Đó là vì Bắc Giang không muốn bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Gần đây, nhiều nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài, các “đại bàng”, đều rất quan tâm đến điểm đến đầu tư Bắc Giang. Một khi quy hoạch hoàn thành, thì đó là căn cứ quan trọng để Bắc Giang phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.
Một điều luôn được khẳng định, đó là quy hoạch phải đi trước một bước. Chưa có quy hoạch, chưa thể định hình được không gian phát triển cho ngành, cho tỉnh, cho vùng và cho cả đất nước, cơ hội tăng tốc phát triển có thể bị chậm lại. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định rằng, tư duy quy hoạch mới là để kiến tạo cho phát triển, để phát huy hết lợi thế các vùng, ngành, địa phương, để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực mới, để phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với những xu thế mới, tạo giá trị mới. Vì tính cấp bách như thế, đã nhiều lần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương hối thúc việc hoàn thành các quy hoạch của thời kỳ 2021-2030.
Có thể, việc hoàn thành các quy hoạch quan trọng, như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng cần lùi thêm một thời gian để có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn, đảm bảo chất lượng tốt hơn. Song việc sớm hoàn thành các quy hoạch là rất quan trọng.