Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững. Là trung tâm thu hút về đầu tư và Trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng và khu vực; gắn kết chặt chẽ phát triển với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thành khu vực phát triển đột phá tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị; có hệ thống cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả.
Phạm vi lập quy hoạch có diện tích 23.792 ha, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 17 xã, thị trấn phía Đông Nam của tỉnh Quảng Trị, thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh.
Định hướng, tầm nhìn giai đoạn đến năm 2050 Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sẽ trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại và hiệu quả, có tầm cỡ trong khu vực Trung bộ, quốc gia và khu vực ASEAN; là một cửa ngõ giao lưu quốc tế về phía biển Đông của Việt Nam. Trở thành khu vực phát triển hài hòa, bền vững, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và là khu vực có đô thị với kiến trúc cảnh quan đẹp, ấn tượng.
4 khu vực phát triển
Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được phân thành 4 khu vực phát triển. Cụ thể, khu vực 1 có diện tích khoảng 11.469 ha, vị trí ở phía Đông Nam Khu kinh tế. Là khu vực trọng tâm phát triển, bố trí các dự án động lực của toàn khu kinh tế như: Trung tâm điện lực, khu phức hợp năng lượng, khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ công cộng, khu hành chính, cảng biển nước sâu và khu phi thuế quan.
Khu vực 2 có diện tích khoảng 2.221 ha, vị trí ở phía Đông Bắc sông Cửa Việt. Là khu vực phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển và đô thị Cửa Việt tập trung phát triển dịch vụ hỗ trợ cho khu vực trung tâm Khu kinh tế.
Có diện tích khoảng 3.400 ha, vị trí ở phía Tây Bắc sông Cửa Việt là khu vực 3. Khu vực này phát triển đầu mối hạ tầng cấp vùng với trọng tâm là cảng hàng không sân bay Quảng Trị và phát triển dịch vụ cao cấp.
Còn khu vực 4 có diện tích khoảng 6.702 ha, vị trí ở phía Tây Khu kinh tế (gắn liền với Quốc lộ 49C), là vùng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; khu vực dự trữ phát triển mở rộng cho vùng trọng tâm và ổn định các điểm dân cư hiện hữu.
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao
Cũng theo Quy hoạch, đối với nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, công nghệ cao, sạch, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; phát triển mô hình trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp; thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường; gắn kết sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và ngành thương mại để bảo đảm khả năng tiêu thụ sản phẩm trồng trọt.
Đối với lâm nghiệp, sẽ khoanh vùng bảo vệ các diện tích rừng ngập mặn, nhằm gìn giữ môi trường và một phần phục vụ du lịch; khoanh định các diện tích rừng trồng phục vụ cho các khu tái định cư gắn với nghề trồng rừng tại các khu vực như: Hải An, Hải Khê, Hải Dương.
Về thương mại, dịch vụ, xây dựng 1 Trung tâm mua sắm hạng 1 tại khu trung tâm công cộng (thuộc xã Triệu Lăng) và 1 siêu thị tại khu vực Nam Cửa Việt, xây dựng mới các tuyến và trục phố thương mại.
Bên cạnh đó, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống hiện có tại các xã, chú trọng mở rộng các khu vực thu mua nông sản; hình thành mạng lưới trung tâm mua sắm thương mại, dịch vụ tổng hợp, hợp tác xã thương mại, chợ bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, và cửa hàng tạp hóa...
Hình thành 1 khu dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hóa (Logistics) gần khu vực cảng biển; hình thành mạng lưới trung tâm bán buôn mua sắm vùng (diện tích khoảng 20 ha mỗi trung tâm) gắn với khu vực đầu mối giao thông. Phân bố hệ thống thương mại sẽ được triển khai cụ thể trong quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành.