Quy hoạch kém vì “tự viết văn, tự chấm điểm”

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội thảo tham vấn ý kiến Dự thảo Luật Quy hoạch sáng 27/2, tại TP. Thái Nguyên, ông Trần Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, chất lượng quy hoạch kém, chồng lấn, lãng phí do các đơn vị lập quy hoạch cũng là người tự thẩm định.
Quy hoạch kém vì “tự viết văn, tự chấm điểm”

Hệ thống quy hoạch đang bị đánh giá là cồng kềnh, chồng chéo, không hiệu quả và gây tốn kém rất lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng như vậy. Mỗi giai đoạn chúng ta có 200-300 quy hoạch ngành. Giai đoạn 2011-2020, cả nước có gần 268 quy hoạch ngành sản phẩm, có những tỉnh lập khoảng 8 quy hoạch ngành và nguyên khu vực nông - lâm - ngư nghiệp lập 26 quy hoạch. Tính tổng giai đoạn này, cả nước có tới 20.000 bản quy hoạch các loại, với mức kinh phí lập quy hoạch lên tới gần 8.000 tỷ đồng.

Có những địa bàn vừa quy hoạch trồng mía, vừa quy hoạch trồng sắn nguyên liệu, hay vừa quy hoạch du lịch, cảng biển và khai thác khoáng sản cùng một địa điểm. Giữa quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành cũng vậy. Đúng ra, quy hoạch tổng thể phải đi trước rồi mới đến quy hoạch ngành chi tiết hóa quy hoạch tổng thể. Nhưng có khi quy hoạch ngành, lại đi theo một hướng mới hoàn toàn so với quy hoạch tổng thể.

Chất lượng quy hoạch thấp, tầm nhìn không khả thi thể hiện ở việc quy hoạch phải điều chỉnh liên tục, nhiều lần và rất dễ dãi. Quy hoạch đề ra rất nhiều chương trình dự án, nhưng vốn lại không đáp ứng được. Các ngành khi được giao quy hoạch cứ đề xuất tất cả những yêu cầu của mình, còn việc cân đối đã có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có Chính phủ hoặc kêu gọi nước ngoài, chứ không có cơ chế vốn cụ thể, không đảm bảo nguồn lực.

Nhiều dự án quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, chỉ để giải quyết thực trạng trước mắt, mà không có tầm nhìn xa. Một số quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm không đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Tức là ngay trong quy hoạch, đơn vị nào thực hiện đã được cơ quan quy hoạch ấn định trước, không phải như ở nước ngoài là phải đấu thầu.

Các dự báo về nhu cầu thị trường, sức ép cạnh tranh, cũng như tác động tích cực, tiêu cực khác của các yếu tố bên ngoài chưa đạt yêu cầu, dẫn tới các định hướng phát triển chưa đủ căn cứ. Các mục tiêu phát triển nhiều khi chỉ xuất phát từ mong muốn chủ quan hơn là từ các yêu cầu của thị trường và các nguồn lực có được. Hệ thống các dự án ưu tiên trong các quy hoạch đòi hỏi đầu tư quá lớn, không cân đối với khả năng huy động vốn nên nhiều dự án không triển khai được trên thực tế.

Vậy vai trò, trách nhiệm của hội đồng thẩm định ra sao?

Thực ra, nguyên nhân của những bất cập nói trên nằm ở tất cả các khâu, từ xây dựng, kế hoạch hóa quy hoạch cho đến khâu thẩm định. Việc xây dựng thiếu sự phối hợp, địa phương nào, bộ, ngành nào khi làm quy hoạch cũng coi đó là quy hoạch của mình, chứ không phải quy hoạch của quốc gia. Trình tự quy hoạch cũng không được tuân thủ, mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, công tác thẩm định cũng có nhiều hạn chế do không có quy định trách nhiệm của hội đồng thẩm định và thành viên thẩm định khiến việc thẩm định mang tính hình thức. Hơn nữa, hiện cơ quan nào được giao lập quy hoạch nào, thì tự lập hội đồng thẩm định, chứ không có cơ quan thẩm định độc lập.

Như vậy, không khác nào “vừa viết văn, vừa tự chấm điểm”, nên chất lượng quy hoạch yếu kém là dễ hiểu.

Theo ông, Dự thảo Luật Quy hoạch có những điểm gì mới và sự ra đời của Luật sẽ tác động thế nào đến chất lượng quy hoạch?

Dự thảo Luật Quy hoạch đã thiết kế lại hệ thống quy hoạch theo hướng tích hợp một số loại quy hoạch để giảm bớt số lượng các quy hoạch cần lập. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc lập quy hoạch; quy định rõ về thẩm định quy hoạch theo hướng có một cơ quan tổ chức thẩm định quy hoạch; quy định về công khai, giám sát, đánh giá, quản lý phát triển theo quy hoạch…

Với những đổi mới này, hệ thống quy hoạch sẽ giảm bớt và có một quy hoạch tổng thể quốc gia để điều chỉnh tất cả từ mạng lưới giao thông tới các vấn đề kinh tế - xã hội để không chồng chéo, trùng lắp. Số lượng quy hoạch ngành sẽ giảm đi khi quy hoạch ngành cấp tỉnh có thể có thể lồng ghép vào một quy hoạch chung. Quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch kinh tế - xã hội vùng cũng có thể ghép vào làm một gọi là quy hoạch vùng chung. Thế giới cũng làm thế. Họ không có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng và không có quy hoạch xây dựng vùng, mà chỉ có một quy hoạch vùng lồng ghép tất cả các vấn đề đó.

Đặc biệt, Dự thảo quy định việc thẩm định sẽ do một cơ quan thẩm định độc lập làm, nên chất lượng giám sát, đánh giá, thẩm định quy hoạch sẽ công bằng hơn.

Dự thảo Luật có điều khoản nào về việc quy trách nhiệm và xử lý cá nhân hay tổ chức làm quy hoạch treo gây lãng phí, bức xúc, đang là vấn đề nóng hiện nay? Nếu không có, theo ông, nên có hình thức quy trách nhiệm và xử lý nào?

Theo tôi, khi đã có cơ quan thẩm định độc lập, chất lượng quy hoạch chắc chắn sẽ tốt hơn hiện nay khi không còn tình trạng “tự viết văn, tự chấm điểm”. Một quy hoạch mà không đảm bảo được việc cân đối các nguồn lực về vốn, đất đai hay lao động, chắc chắn sẽ không được hội đồng thẩm định phê duyệt. Vì vậy, ngay từ đơn vị lập quy hoạch đến người thẩm định, đều phải có bài toán cân đối nguồn lực cụ thể, chính xác. Như vậy, đương nhiên sẽ không còn quy hoạch treo khi không ai dám phê duyệt một dự án mà không biết mình có bao nhiêu tiền, nguồn tiền ở đâu để thực hiện.

Tin bài liên quan