Nhà đã bán từ lâu... nhưng bãi để xe còn dang dở.

Nhà đã bán từ lâu... nhưng bãi để xe còn dang dở.

Quy hoạch KĐTM: Phú quý... giật lùi

(ĐTCK-online) Vai trò của các nhà quy hoạch cũng như việc chấp hành quy hoạch của chủ đầu tư là 2 trong nhiều vấn đề được các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đặt ra trong đợt giám sát tại các khu đô thị mới (KĐTM) trên địa bàn Thành phố mới đây. Một thực tế được ghi nhận là, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, chất lượng các dự án KĐTM của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung không những không được nâng lên mà còn có nguy cơ... “phú quý giật lùi”!

Trong buổi làm việc với Ban quản lý KĐTM Linh Đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đặt câu hỏi: “Tại sao cho đến nay, trẻ em sống trong KĐTM này vẫn phải rồng rắn qua quãng đường hàng chục cây số để vào trung tâm thành phố tìm cái chữ, còn người dân bên ngoài KĐTM lại không có chợ để bán hàng? Tại sao trong quy hoạch có trường học, trạm y tế, trạm xử lý nước thải, phòng họp cho khu dân cư, nhưng thực tế thì đa phần các công trình này vẫn nằm trên giấy, trong khi nhà đã được bán xong, người dân đã đến ở?”.

Ông Phùng Trung Hải, Phó chủ tịch UBND phường Linh Đàm cho biết, sự lộn xộn trong quy hoạch đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Đơn cử, cốt nền của KĐTM Linh Đàm cao hơn nhà dân khu vực xung quanh đến gần 1 mét, nên mỗi khi trời mưa, nhà ở của khu dân cư trong làng Linh Đàm đều bị úng ngập. Mặt khác, quy hoạch dự án đã có quỹ đất xây dựng trường học, nhưng cho đến nay, công trình này vẫn chưa hề được triển khai, khiến rất nhiều gia đình phải đưa con đi học xa, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Trả lời những câu hỏi của các cử tri TP. Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bách, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD (Bộ Xây dựng) cho biết, trong quy hoạch chi tiết (đã được UBND Thành phố phê duyệt), hạng mục công trình trường học nằm trong kế hoạch chỉnh trang làng Linh Đàm, không nằm trong ranh giới giao đất thực hiện Dự án, nên Tổng công ty không đầu tư xây dựng hạng mục này. Còn việc khu đô thị không có trạm y tế, ông Bách cho rằng, ngành y tế đã có quy hoạch hệ thống bệnh viện trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Không thể có chuyện, mỗi khu đô thị lại có một bệnh viện, vì việc xây dựng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Theo ông Lê Văn Hoạt, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP. Hà Nội, các KĐTM thực sự đã làm một cuộc cách mạng trong kiến trúc nhà ở hiện đại, giải quyết vấn đề bức xúc của các đô thị là chỗ ở cho người dân. Tuy nhiên, đã đến lúc cần thẳng thắn nhìn lại những thiếu sót trong quy hoạch, thiết kế, chất lượng xây dựng công trình, hạ tầng xã hội, việc bảo trì, bảo dưỡng các khu nhà, cũng như hoạt động của các đoàn thể... Đáng lẽ, càng những khu đô thị được xây dựng sau thì những vấn đề này càng phải được giải quyết tốt hơn, nhưng thực tế tại các KĐTM Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Diễn hay Nam Trung Yên..., điều trên đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại, với những bất cập ngày càng trầm trọng hơn.

Theo ghi nhận của đoàn công tác HĐND TP. Hà Nội, hầu hết các KĐTM không tuân thủ các chỉ tiêu xây dựng cơ bản. Để tận dụng tối đa diện tích, các chủ đầu tư đã bớt xén diện tích các công trình công cộng như vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học và chợ để làm nhà bán.