Sáng 27/4, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Hậu Giang có vị trí tự nhiên rất thuận lợi, tiếp giáp với sông Hậu, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, có tiềm năng lớn về cung cấp nước ngọt, vận tải đường thủy, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước. Hậu Giang có đất đai màu mỡ, bằng phẳng, là tỉnh cuối vùng lũ, ảnh hưởng của thủy triều không tác động trực tiếp, khí hậu ôn hoà ổn định, ít ảnh hưởng của thiên tai.
Bên cạnh đó, Hậu Giang có vị trí nằm gần hai trục phát triển chính của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trục TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau và trục Nam sông Hậu. Tỉnh tiếp giáp với sông Hậu là luồng vận tải đường thuỷ và hàng hải chính của vùng ĐBSCL…
Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh đạt 5,83%/năm. Dù có những tiến bộ rõ rệt về kinh tế - xã hội trong những năm qua, tuy nhiên theo đánh giá, kết quả đã đạt được chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu…
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Hậu Giang là tỉnh xuất phát chậm, muốn đi nhanh phải có đột phá, xác định mình đang ở đâu.
Tỉnh Hậu Giang xác định rõ vị trí và tầm quan trọng của công tác quy hoạch, Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “nghị quyết” của Trung ương, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. “Chính vì vậy, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hội tụ tinh thần đổi mới - đột phá - quyết tâm - khát vọng", ông Thành nhấn mạnh.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế. Cân đối được thu, chi ngân sách, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn Trung ương hỗ trợ. Bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình được cải thiện mạnh mẽ, phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất vùng ĐBSCL.
Theo đó, tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đạt tốc độ 7% - 7,5%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 10% - 12%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cộng luỹ kế theo giá hiện hành trên địa bàn tới năm 2030 khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng bình quân 8%/năm cho giai đoạn 2021 - 2030.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển. Trong đó, định hướng chiến lược: “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm”, trên 3 mặt chiến lược không gian, chiến lược kinh tế và chiến lược quản lý.
Cụ thể, Một tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn.
Hai tuyến là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.
Ba thành - ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.
Bốn trụ là phát triển 4 trụ cột là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng cao.
Năm trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; Cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Hoàn thiện hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.