Tới cuối năm 2019, đã có 135 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch điện. Trong ảnh: Điện mặt trời Đa Mi. Ảnh: Đ.T
Xanh, sạch lên ngôi
Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được ban hành vào tháng 3/2016, nhưng với xu hướng khuyến khích năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, chỉ trong 2 năm trở lại đây, đã có khoảng 20.000 MW điện mới được bổ sung vào Quy hoạch.
Theo Bộ Công thương, tới cuối năm 2019, đã có 135 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào Quy hoạch. Sau đó, vẫn có thêm các dự án khác như Điện mặt trời Phước Dinh 450 MW tại Ninh Thuận được bổ sung Quy hoạch.
Với điện gió, ngoài 4.800 MW đã được bổ sung vào Quy hoạch sau khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (tháng 9/2018), Chính phủ mới đây tiếp tục đồng ý chủ trương bổ sung một số dự án mới như đề nghị của Bộ Công thương. Được biết, Bộ này đã đưa ra con số 7.000 MW điện gió mới khi trình Chính phủ trước đó.
Quy hoạch Điện VIII sẽ có tính mở hơn, tạo điều kiện để lựa chọn Dự án, lựa chọn chủ đầu tư theo cơ chế cạnh tranh. Như vậy, sẽ chắc chắn hơn về hiệu quả và tiến độ thực hiện Dự án.
- Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương)
Đối với mảng điện khí LNG, hiện các dự án đã được bổ sung Quy hoạch có tổng công suất khoảng 12.000 MW.
Không chỉ có 20.000 MW nguồn điện mới được bổ sung vào Quy hoạch cùng 7.000 MW vừa có chủ trương đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện, hàng trăm dự án điện mặt trời, điện gió hay LNG vẫn được các địa phương đề nghị bổ sung.
Nói về thực tế trên, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, trong giai đoạn vừa rồi, các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước, đã rất cố gắng trong việc đầu tư dự án. Song phải nói khách quan là, do có nhiều vướng mắc, nên nhiều dự án đã được ghi trong Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh khó vào vận hành.
Trước thực tế đa số các dự án năng lượng tái tạo do các doanh nghiệp tư nhân triển khai, nên thủ tục chuẩn bị đầu tư họ tự phê duyệt, tiền cũng của họ, thuận lợi trong triển khai hơn các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, ông Dũng cho rằng, thấy rõ việc thiếu hụt nguồn điện do chậm tiến độ, thì phải quy hoạch bổ sung nguồn điện, nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo vì thực hiện nhanh hơn.
Vẫn theo ông Dũng, Quy hoạch Điện VIII có định hướng phát triển mạnh các nguồn điện sạch và năng lượng tái tạo nhằm đạt được mục tiêu như Nghị quyết 55/NQ-TW đề ra.
Quy hoạch mở
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII, yếu tố “linh hoạt” rất được quan tâm. Theo ông Dũng, Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh và các quy hoạch điện trước đó đã phê duyệt danh mục cả nguồn và lưới khá cứng, gồm cả tên dự án, công suất, quy mô, thời gian, thậm chí là cả chủ đầu tư, hay hình thức đầu tư là nhà máy điện độc lập (IPP) hay xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Do đó, trong triển khai, khi có thay đổi, dù là nhỏ, như công suất tổ máy từ 600 MW lên 620 MW, hay đường dây dài hơn vài km, cũng phải do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép.
Rút kinh nghiệm điều đó, Quy hoạch Điện VIII được thiết kế có tính mở hơn. “Vẫn quy định một số nguồn điện quan trọng phải ưu tiên phát triển để đảm bảo cung ứng điện một cách chắc chắn, còn các dự án khác để mở hơn để linh hoạt trong điều chỉnh, thực hiện, tức là chỉ có công suất tổng, mà không quy định danh mục chi tiết đặc tính kỹ thuật của công trình điện”, ông Dũng nói.
Trước thực tế kiểm soát tiến độ các dự án điện do tư nhân hay nước ngoài triển khai khó khăn do không có cơ chế mang tính pháp lý mạnh để họ phải làm đúng cam kết, các chuyên gia của Bộ Công thương dự tính, trong quy hoạch điện mới, sẽ đưa ra các chế tài để giám sát thực hiện các dự án theo hướng mạnh mẽ hơn. Đó có thể là thông qua hình thức đấu thầu, bảo lãnh dự thầu hay bảo lãnh thực hiện gói thầu đó.
“Quy hoạch Điện VIII sẽ có tính mở hơn, tạo điều kiện để lựa chọn dự án, lựa chọn chủ đầu tư theo cơ chế cạnh tranh. Như vậy, sẽ chắc chắn hơn về hiệu quả và tiến độ thực hiện dự án”, ông Dũng kỳ vọng.
Thách thức giá điện
Trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 được lên kế hoạch khoảng 7,9 tỷ USD/năm (không kể các nguồn điện BOT), giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 10,8 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, với thực tế nhiều dự án điện không thể triển khai, hoặc chậm tiến độ trong 4 năm trở lại đây, có thể thấy rõ số tiền đầu tư vào điện thời gian qua không như dự tính.
Trong các doanh nghiệp nhà nước, chỉ còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nhiều hoạt động đầu tư nhất, nhưng số lượng cũng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2016, giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN là 134.858 tỷ đồng; năm 2017 giảm còn 130.934 tỷ đồng; năm 2018 chỉ còn 118.894 tỷ đồng và tới năm 2019 chỉ là 100.480 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch (giá trị giải ngân ước đạt 98.748 tỷ đồng).
Ở khối tư nhân, với khoảng 5.000 MW điện mặt trời và điện gió đã vào vận hành hiện nay, tổng vốn đầu tư thu hút được ước khoảng 100.000 tỷ đồng (4,5 tỷ USD). Tuy nhiên, số lượng các dự án điện mặt trời và điện gió triển khai trên thực tế đang theo chiều hướng giảm do lo ngại giá mua điện không còn hấp dẫn như ban đầu. Điều này cũng đe dọa khả năng thu hút vốn đầu tư vào ngành điện, nhất là khi nhu cầu điện dự báo sẽ tăng mạnh.
“Khi kêu gọi đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn điện, nếu có tín hiệu thực sự khuyến khích, hấp dẫn nhà đầu tư, như cơ chế điện gió hay điện mặt trời vừa qua là giá cố định, có sự hấp dẫn, được bao tiêu 20 năm, hợp đồng mua bán điện áp dụng mẫu không mất thời gian thương thảo nhiều, thì các nhà đầu tư tư nhân quan tâm mạnh đến làm điện”, ông Dũng nhận xét và cho rằng, sự khuyến khích này là cần thiết.
Tuy nhiên, với thực tế giá bán lẻ điện hiện chưa theo cơ chế thị trường, hay giá mua điện mặt trời, điện gió và điện LNG nói chung vẫn cao hơn giá bán lẻ điện bình quân, thì việc thu hút vốn đầu tư vào ngành điện sẽ có những thách thức để đạt được các mục tiêu về phát triển nguồn và lưới điện trong thời gian tới.