Quy hoạch điện VIII: Chưa rõ thì chưa duyệt

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ đã nhắc tới việc phải làm rõ về giá của năng lượng tái tạo, “chưa rõ thì chưa duyệt”, khi Bộ trưởng Bộ Công thương kiến nghị sớm phê chuẩn Quy hoạch điện VIII.

Bộ Công thương mong sớm phê duyệt Quy hoạch điện VII

Tại Hội nghị Chính phủ với các doanh nghiệp sáng nay, ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã kiến nghị Thủ tướng sớm phê chuẩn Quy hoạch điện VIII; phê duyệt cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp trên cơ sở tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành; đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định bãi bỏ Quyết định 13/2020/QĐ-TTG về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, và Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió.

Đồng thời ban hành Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn để giúp cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI đang mong muốn điều này.

Liên quan đến các kiến nghị của Bộ Công thương về Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Quy hoạch này thực hiện từ tháng 8/2019, trình Chính phủ từ tháng 3/2021 và Thủ tướng chỉ đạo "làm hết sức thận trọng, rà soát kỹ".

Liên quan tới Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng đã chủ trì tới 5 cuộc họp, trong đó có cả Thường trực Chính phủ họp. Bản thân Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chủ trì gần 30 cuộc bàn về quy hoạch này nhưng khi trình lên thì Dự thảo vẫn không đạt yêu cầu.

Đó là bởi, cơ cấu nguồn điện giữa các vùng miền dẫn đến chi phí vận tải quá lớn, do đó phải sắp xếp lại cho phù hợp, hạn chế tổn thất, hạn chế đường dây.

Về cơ cấu nguồn điện, Phó Thủ tướng cho hay, điện mặt trời từ tháng 3 năm ngoái đến nay đã giảm xuống, đang tính chấp nhận khoảng 16.000 MW điện mặt trời, trong khi thế giới bình quân chỉ chiếm khoảng 3%, còn ta để dự thảo Quy hoạch trước lên tới 31.00 MW điện mặt trời, chiếm mấy chục phần trăm.

Điện mặt trời lớn khiến nhiều nguồn khác không được huy động

“Khi điện mặt trời vào lưới sẽ ảnh hưởng đến thủy điện, nhiệt điện phải giảm khiến các nhà máy thiệt hại lớn. Đơn cử năm ngoái, riêng các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí phải giảm công suất đến 50%, nên khí mua mà không dùng được gây tổn thất khoảng 14.000 tỷ đồng”, Phó Thủ tướng nói.

Hiện dự thảo Quy hoạch đang xem xét việc khi giảm điện mặt trời từ 31.000 MW xuống còn 16.000 MW thì các dự án đã triển khai rồi sẽ xử lý ra sao, phải đưa vào Quy hoạch dù bây giờ quy hoạch điện mặt trời đã cao rồi.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, do điện mặt trời vào nhiều nên có tình trạng các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí năm ngoái phải giảm công suất đến 50%, nên khí mua mà không dùng được gây tổn thất khoảng 14.000 tỷ đồng.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, do điện mặt trời vào nhiều nên có tình trạng các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí năm ngoái phải giảm công suất đến 50%, nên khí mua mà không dùng được gây tổn thất khoảng 14.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Công thương xác định 3 vấn đề lớn, trong đó xác định thật kỹ 2.428 MW điện mặt trời để báo cáo Thường trực Chính phủ cho vào tiếp không, bởi nếu cho vào tiếp điện mặt trời sẽ tiếp tục ảnh hưởng các nhà máy nhiệt, thủy điện, phát sinh thêm nhiều hệ thống lưới điện...

"Một quy hoạch cực kỳ quan trọng với nền kinh tế, chúng ta mất một năm rưỡi. Phải nói là quá trình nhận thức để triển khai quy hoạch này rất kém. Nếu không đưa điện mặt trời ra thì các nhà máy thủy điện và nhiệt điện sẽ thiệt hại rất lớn. Nhưng cũng có các công trình điện mặt trời đã đầu tư, đã vận hành rồi mà đưa ra thì thiệt hại tới lợi ích của người dân và doanh nghiệp nên phải rà soát để đánh giá kỹ", Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Công thương cố gắng trình trong tuần này để cuối tuần Thường trực Chính phủ họp.

Phát biểu sau khi Bộ trưởng Bộ Công thương và Phó Thủ tướng nói về Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, nguồn điện phải tính toán cho kinh tế, truyền tải điện cũng rất tốn kém, phân phối điện thế nào cho hợp lý, sử dụng điện thế nào cho tiết kiệm. Cuối cùng, rất quan trọng là giá điện phải cạnh tranh.

“Nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời càng nhiều càng tốt nhưng cuối cùng giá thế nào để cho hợp lý. Giá điện không thể gấp đôi các nguồn điện khác mà chúng ta lại sử dụng. Giá điện nếu tăng lên thì người dân và doanh nghiệp làm sao chịu được. Vì vậy, phải xem xét lại quy hoạch nguồn, quy hoạch tải, quy hoạch các vùng miền thế nào để tiết kiệm; sử dụng điện thế nào cho tiết kiệm và hiệu quả”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, “khi chưa làm rõ những điều này thì chưa duyệt được Quy hoạch Điện VIII”.

Liên quan đến giá điện mặt trời, Thủ tướng cho hay, nếu mua theo quy hoạch, đúng các quy định của Nhà nước thì không sao, nhưng "anh không đúng quy định mà bắt phải mua thì không được, sai chồng sai, anh đã lấn chiếm rồi mà bắt tôi đền bù sao được".

Thủ tướng đề nghị các nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu kỹ, vì lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân, không thể chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích của một số người được bởi tất cả sẽ tính vào giá điện.

Vì thế phải mất nhiều công sức, phải nghiên cứu cho kỹ, nếu không lại mất cân đối vì nếu không người dân và doanh nghiệp phải chịu vì cuối cùng vào giá. Tất cả các khâu nguồn điện, tải điện, sử dụng điện cuối cùng phải vào giá, và phải cạnh tranh, người dân có thể chịu đựng được và hợp lý với đầu vào cho sản xuất. Đấy là điều phải suy nghĩ nhiều hơn.

"Chúng ta làm tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, tất cả vì lợi ích của nhân dân, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đạt được mục tiêu đó thì mới làm được. Còn nếu không đạt mục tiêu đấy thì nóng ruột mấy cũng phải kiên trì, tất nhiên không kiên trì đến độ mức trì trệ", Thủ tướng nói và cho biết, rất sốt ruột, tuần nào cũng nhắc nhở vấn đề này nhưng chúng ta phải làm cho hiệu quả, nghiên cứu thật kỹ, đánh giá cho thật khách quan và đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Tin bài liên quan