Quy hoạch điện VIII: Cần xem xét tốc độ phát triển năng lượng tái tạo

Quy hoạch điện VIII: Cần xem xét tốc độ phát triển năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Góp ý xây dựng Quy hoạch điện VIII, các bộ, ngành kiến nghị, cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua.

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 828/BCT-ĐL gửi xin ý kiến các bộ, ngành và cơ quan liên quan đối với Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Sau 1 tháng, các bộ, ngành và cơ quan liên quan đã có đóng góp và Tổ tư vấn lập Quy hoạch điện VIII đã có giải trình với từng đóng góp.

Chưa tính toán ảnh hưởng của điện mặt trời áp mái

Cục Điều tiết Điện lực, Truyền tải điện miền Nam nêu kiến nghị, Dự thảo chưa có các tính toán, đánh giá ảnh hưởng của sự phát triển điện mặt trời áp mái đến dự báo nhu cầu phụ tải điện. Đề nghị bổ sung đánh giá ảnh hưởng của điện mặt trời áp mái và cập nhật lại kết quả dự báo phụ tải các giai đoạn.

Về vấn đề này, Tổ tư vấn cho biết, điện mặt trời áp mái mới vào vận hành và chưa có số liệu thống kê đầy đủ trong nhiều năm để có thể xây dựng một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải ở cấp truyền tải.

Điện mặt trời áp mái trong tương lai vẫn có thể vào vận hành thêm tại các vùng, nên nếu tính gộp điện mặt trời áp mái vào nhu cầu phụ tải sẽ rất khó dự báo được biểu đồ phụ tải điện trong tương lai.

Bản chất của điện mặt trời áp mái cũng giống như nguồn điện mặt trời quy mô lớn, có thể coi là nguồn điện. Hành vi sử dụng điện của phụ tải hay dáng biểu đồ phụ tải (khi chưa có điện mặt trời áp mái) đã được nghiên cứu nhiều năm nay và được sử dụng để dự báo dáng biểu đồ trong tương lai của Quy hoạch điện VIII. Do vậy, Quy hoạch điện VIII lựa chọn phương pháp dự báo nhu cầu phụ tải gốc, không tính đến điện mặt trời áp mái và coi điện mặt trời áp mái nằm trong phần nguồn điện.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, các nguồn điện gió và điện mặt trời sẽ phát triển mạnh mẽ.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, các nguồn điện gió và điện mặt trời sẽ phát triển mạnh mẽ.

Quy mô nguồn năng lượng tái tạo tính toán đã phù hợp

Các đơn vị gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học công nghệ, Tổng công ty Truyền tải điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung kiến nghị, theo dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%).

Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh, nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia…

Do đó, các đơn vị này đề nghị rà soát tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã quy định “Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045”.

Các đơn vị góp ý vào dự thảo cũng đề nghị đơn vị tư vấn cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.

Về vấn đề này, tổ Tư vấn cho biết tiếp thu ý kiến về các tồn tại của năng lượng tái tạo và nên phát triển có lộ trình, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Quy mô nguồn năng lượng tái tạo tính toán đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện đã phù hợp với mục tiêu năng lượng tái tạo đặt ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW. Giảm tỷ lệ năng lượng tái tạo cho phù hợp với Nghị quyết 55- NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị (NQ55).

Cụ thể như sau: Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong Nghị quyết 55/NQ-TW là tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp, mức tỷ lệ này tương ứng với tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045.

Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 định hướng đến 2050 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015) đạt 32% năm 2030 và 43% năm 2050.

Khi đưa ra chính sách về mục tiêu năng lượng tái tạo là tỷ lệ thấp nhất phải đạt được. Mô hình quy hoạch lựa chọn phát triển năng lượng tái tạo vượt mức thấp nhất, chứng tỏ chi phí đầu tư của nguồn năng lượng tái tạo dự báo trong tương lai thấp, việc tăng cường phát triển năng lượng tái tạo hơn so với mục tiêu vẫn đảm bảo là phương án nguồn điện có chi phí thấp nhất.

Cân bằng năng lượng vùng miền, cân đối phát triển tại chỗ nguồn điện miền Bắc

Cũng có ý kiến cho rằng cần ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền để tránh xây dựng quá nhiều lưới điện truyền tải. Hệ thống truyền tải liên vùng không được duy trì mang tải cao trong quá trình vận hành bình thường, chỉ nên mang tính chất liên lạc, hệ thống truyền tải liên vùng chỉ hoạt động mang tải tối đa trong trường hợp các vùng lân cận có sự cố.

Đồng thời xem xét lại phân bố nguồn tại các vùng cho hợp lý nhằm giảm áp lực đầu tư các dự án lưới điện truyền tải (một số khu vực có tỷ lệ nguồn/nhu cầu phụ tải rất lớn như: Trung Trung Bộ 107%, Nam Trung Bộ 362%, Tây Nguyên 303%)

Cần xem xét định hướng phát triển thêm nguồn điện tại chỗ tại khu vực Bắc Bộ để giảm đầu tư lưới truyền tải liên kết Bắc - Trung (kịch bản cơ sở: tổng công suất truyền tải Trung Trung Bộ - Bắc Trung Bộ - Bắc Bộ lên đến 9GW trong giai đoạn 2030 - 2045). Đây là ý kiến góp ý của Tổ giúp việc Bộ trưởng về Quy hoạch điện VIII, Cục Công nghiệp, Tổng công ty truyền tải điện, Truyền tải điện miền Trung, EVN...

Giải trình của tổ tư vấn Quy hoạch điện VIII cho biết việc ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền là một trong những tiêu chí của bài toán quy hoạch điện. Điều này đã được tính đến trong hàm mục tiêu tối thiểu hóa chi phí của mô hình quy hoạch nguồn điện, trong đó có tích hợp cả nguồn điện và lưới điện truyền tải liên vùng. Về nguyên tắc, ý kiến góp ý hoàn toàn đúng đắn khi hệ thống được chia thành các miền đủ lớn để tiềm năng xây dựng nguồn điện của mỗi miền có thể đáp ứng được nhu cầu phụ tải của từng miền.

Tuy nhiên, khi hệ thống điện được chia thành nhiều vùng nhỏ hơn (nhằm nghiên cứu về lưới điện truyền tải tốt hơn) thì lưới truyền tải liên vùng lại có thể là lưới truyền tải từ các trung tâm nguồn điện về các trung tâm phụ tải. Do khu vực Bắc Bộ có nhu cầu phụ tải cao nhưng tiềm năng xây dựng nguồn điện hạn chế, chi phí xây dựng nguồn điện than, khí nhập khẩu cũng sẽ cao hơn các vùng miền Trung, vì vậy một phần nhỏ công suất nguồn ở miền Trung sẽ được mô hình chi phí tối thiểu lựa chọn để cấp cho Bắc Bộ.

Ngoài ra, nguồn điện khí nội (khí CVX) nằm ở miền Trung cũng sẽ phải truyền tải ra Bắc Bộ để tiêu thụ. Các vấn đề này đã khiến lưới điện truyền tải từ miền Trung ra Bắc Bộ luôn phải tải cao và cần mở rộng lưới truyền tải liên vùng. Quy hoạch đã xem xét xây dựng thêm các nguồn điện tại chỗ khu vực Bắc Bộ: Điện khí LNG Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghi Sơn... Tuy nhiên khả năng phát triển về năng lượng tái tạo, về nguồn điện miền Bắc không thuận lợi như khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ....

Đề án đã đưa ra so sánh tương đối chi phí sản xuất điện tại các vùng. Đề xuất xây dựng biểu giá vùng, miền sẽ góp phần điều hòa khả năng xây dựng nguồn điện, tránh truyền tải xa

Tin bài liên quan