Luật Quy hoạch cần có tính linh hoạt để tạo điều kiện cho sự vận động của thị trường

Luật Quy hoạch cần có tính linh hoạt để tạo điều kiện cho sự vận động của thị trường

Quy hoạch còn chồng chéo và kém khả thi

(ĐTCK) Theo báo cáo của Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2020, có 19.285 quy hoạch các loại được các bộ, ngành xây dựng, trong đó, có cả những quy hoạch ở cấp quốc gia và những quy hoạch do các địa phương, từ tỉnh, thành phố đến các quận, huyện thực hiện. 

Tuy nhiên, các quy hoạch trên có nhiều điểm chồng chéo, hệ thống quản lý chưa rõ ràng, khiến hiệu quả quy hoạch bị giảm sút và lãng phí nguồn lực.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Xây dựng dự án Luật Quy hoạch - kinh nghiệm quốc tế và sự lựa chọn cho Việt Nam do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN - Habitat) và Liên minh các thành phố tổ chức ngày 24/8.

Trong buổi hội thảo, một số tồn tại đã được chỉ ra. Theo đó, một số quy hoạch ngắn hạn không đảm bảo về chất lượng, thiếu tính khả thi, mang tính chủ quan hơn là xuất phát từ nhu cầu chung của thị trường. Chưa kể, quy hoạch thiếu sự phối hợp, có tình trạng cục bộ trong ngành, địa phương, dẫn đến việc thường xuyên phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch tuy đã được ban hành nhưng thiếu đồng bộ, thống nhất, còn bộc lộ những khiếm khuyết, đặc biệt là trong quy định giám sát, triển khai quy hoạch, đánh giá và phân công trách nhiệm cho cơ quan thực hiện quy hoạch.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, việc xây dựng Luật Quy hoạch sẽ là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, cũng như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.

Giáo sư H.Detlef Kammeier, chuyên gia quốc tế về quy hoạch nhận xét, Việt Nam đang có sự chồng chéo trong hệ thống quy hoạch, có ba bộ, ngành nắm quyền cùng lúc, nên đôi khi dẫn tới việc xây dựng quy hoạch khác nhau cho cùng một tỉnh/thành phố. Với mô hình quy hoạch từ trên xuống, tình trạng tập trung quan liêu xuất hiện rõ nét. Cấp chính quyền địa phương chịu tác động từ mạng lưới chính quyền trung ương và thiếu năng lực nên có những quy hoạch kém hiệu quả. Đây là những điểm cần lưu ý trong quá trình xây dựng Dự án Luật Quy hoạch.

Theo TS Nguyễn Quang, Giám đốc UN - Habitat, Luật Quy hoạch cần có tính linh hoạt để tạo điều kiện cho sự vận hành của thị trường. Cùng với đó, Luật cần làm rõ vai trò can thiệp tạo điều kiện của Nhà nước, cần có các quy định, chính sách khuyến khích đầu tư, thuế, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Luật cần chi tiết hóa cơ chế phối hợp thực hiện quy hoạch, tạo điều kiện cho sự tham gia của các bên liên quan, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Trao đổi với báo giới về một số vấn đề còn tồn tại trong công tác quy hoạch, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, mặc dù công tác giám sát quy hoạch đang được tiến hành, tuy nhiên, do chất lượng quy hoạch chưa đạt yêu cầu, quy hoạch chồng lấn nên dù có giám sát tốt thì căn cứ vào pháp luật và quy định của các ngành về quy hoạch thì vẫn không đạt kết quả như mong muốn.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông dẫn ví dụ về quy hoạch năng lượng. Theo đó, chúng ta mới chỉ tập trung vào các nhà máy nhiệt điện mà quên mất, quy hoạch cần phải hài hòa cả phát triển các nguồn năng lượng có thể tái tạo và năng lượng từ than đá, khí. Bởi vậy, sau 30 năm phát triển lĩnh vực dầu khí, Việt Nam vẫn chưa có được ngành công nghiệp dầu khí. Quy hoạch chung về năng lượng phải bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất, bố trí nhà máy, cảng, năng lực khai thác than, cũng như chiến lược lâu dài hỗ trợ cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…).

“Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ giám sát quy hoạch xây dựng từng nhà máy nhiệt điện mà không gắn với quy hoạch phát triển và quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Về định hướng xây dựng Luật Quy hoạch, Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật phải tôn trọng 3 nhiệm vụ đặt ra, đó là vai trò quản trị của Nhà nước, quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường và mối quan tâm của cộng đồng xã hội. Điều quan trọng là phải tránh được hai thái cực đối lập, hoặc là Nhà nước làm tất cả hoặc phó mặc cho thị trường trong việc lập quy hoạch. Nhà nước với vai trò là người điều tiết nền kinh tế, phải hài hòa giữa quy hoạch phát triển một ngành công nghiệp và  lợi ích xã hội.

Được biết, Dự án Luật Quy hoạch dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015); xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016).               

Tin bài liên quan