Quy hoạch bị băm nát
Hiện nay, nhiều đô thị lớn tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng quá tải, mật độ nhà cao tầng tăng chóng mặt, trong khi hạ tầng chưa thể đáp ứng kịp. Có thể kể đến một số tuyến đường tại TP.HCM như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), đường Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát (quận 7) hay dọc bến Vân Đồn (quận 4)...
Theo báo cáo giám sát đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội và TP.HCM chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20 - 26% với đô thị trung tâm, 18 - 23% với đô thị vệ tinh, 16 - 20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi là dưới 1%, trong khi yêu cầu phải là 3 - 4%.
Một trong những nguyên nhân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra là do tình trạng điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch tại nhiều địa phương. Hiện trên cả nước có gần 1.400 dự án được điều chỉnh quy hoạch, trong đó có những dự án điều chỉnh lên tới 5 - 6 lần.
Hà Nội và TP.HCM được xác định là có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ đứng đầu cả nước, lần lượt là 70% và hơn 40%. Riêng TP.HCM, từ 1/7/2014 đến hết 2018, có 181 dự án điều chỉnh quy hoạch.
Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện gây áp lực lớn tới hạ tầng xung quanh. Ảnh: Việt Dũng
Về vấn đề này, đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) cho rằng, mỗi lần quy hoạch được điều chỉnh sẽ theo xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng. Chính điều này đã gây bức xúc cho xã hội, cùng với đó tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập ở các thành phố lớn không thể khắc phục được.
Theo ông Vượt, việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất là băm nát quy hoạch, chậm tiến độ gây lãng phí, thất thu ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), có những khu vực được quy hoạch rồi, đã tiến hành xây dựng, nhưng do chi phối của các doanh nghiệp, nên nhiều lãnh đạo địa phương đã đi theo lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cá nhân, làm cho quy hoạch bị thay đổi, gây bức xúc cho người dân.
Đồng ý kiến với 2 vị đại biểu trên, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cũng đặt ra nghi vấn có lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch các dự án. Theo ông Diến, có những dự án được điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của sự phát triển, nhưng có những dự án, quy hoạch lại được điều chỉnh vì nhóm lợi ích.
Trên thực tế, có thể khi được phê duyệt, các hạng mục và thiết kế của dự án có chú ý đến phát triển hạ tầng công cộng, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, thì chủ đầu tư lại xin “khất”, điều chỉnh dần, hoặc tự ý điều chỉnh mà không có cơ quan nào xử lý nghiêm túc. Trong vấn đề này, có thể nhận thấy các nhà đầu tư đang được ưu ái nhiều hơn so với việc bảo vệ cảnh quan đô thị và tiện ích của người dân.
Vì làm theo kiểu “trả bài”
Trả lời các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, báo cáo giám sát của Quốc hội về việc quản lý quy hoạch sử dụng đất đã nêu rõ, tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết hiện tại khá phổ biến. Thời gian tới, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, phương pháp mới về xây dựng quy hoạch. Sau đó, cần nâng cao các công cụ làm quy hoạch như tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức… để tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch.
Người đứng đầu ngành xây dựng cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch theo sức ép hoặc do lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư thì hiện tại chưa có thông tin, nhưng cũng không thể loại trừ. "Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án cũng có thể có tác động ở giai đoạn nhất định, bằng biện pháp nhất định", ông Hà trả lời và cho biết, sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đây là một “lỗ hổng” về quản lý nhà nước. Các cơ quan chức năng vẫn còn lỏng lẻo trong việc phê duyệt dự án. Do đó, giữa cơ quan nhà nước và chủ đầu tư phải có trách nhiệm trong việc này.
Ông Châu phân tích thêm, chẳng hạn như chủ đầu tư phải có biện pháp để nâng cao hệ thống hạ tầng tại vị trí dự án, còn Nhà nước cũng phải có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp trong việc cải tạo cơ sở hạ tầng. Bởi khi địa phương duyệt thì phải dựa trên cơ sở thực tế phải đáp ứng được, nhưng trong thời gian vừa qua, tại một số cơ quan nhà nước lại phê duyệt dựa trên định hướng phát triển trong tương lai, thành ra, hạ tầng chưa theo kịp là điều dễ hiểu.
Theo ông Châu, cách đây hơn 10 năm về trước, Hiệp hội đã đưa ra quan điểm rằng, quy hoạch là một trong những công cụ của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, để phát triển nhà ở và cũng là một công cụ để điều tiết thị trường bất động sản, bên cạnh công cụ thuế và tín dụng. Bởi muốn phát triển kinh tế - xã hội thì phải theo quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở cũng phải theo quy hoạch, hay phát triển các ngành cũng đều phải theo quy hoạch... Do đó, vai trò của công cụ quy hoạch là rất lớn.
Theo nhận thức của Hiệp hội, quy hoạch trước hết là tầm nhìn của Nhà nước. Bởi quy hoạch bao giờ cũng phải nhìn xa, nhìn rộng, nhìn trong từng giai đoạn. Có quy hoạch định hướng là 50 năm, có quy hoạch định hướng là 30 năm hoặc 20 năm hay 10 năm... Tuy nhiên, để thực hiện quy hoạch thì phải có kế hoạch triển khai thực hiện.
“Trong thời gian trước đây, chúng ta làm quy hoạch theo kiểu trả bài chứ không thật sự coi trọng vai trò quy hoạch này. Cho nên, quy hoạch của mình trở thành quy hoạch không có tính khả thi và từ đó người ta hay dùng từ ví von là quy hoạch treo”, ông Châu nói.
Lý giải tại sao quy hoạch lại là công cụ điều tiết nền kinh tế, lãnh đạo HoREA đưa ra ví dụ, quyết định không cho xây dựng nhà cao tầng trong trung tâm TP.HCM vừa ban hành đã khiến thị trường bất động sản nhốn nháo ngay. Bởi nó tạo ra lợi thế cho bên này và bất lợi cho bên kia.
Hay việc Thủ Thiêm không được xác định nằm trong lõi trung tâm khu vực 1 là chưa chuẩn. Bởi tầm nhìn về quy hoạch khu trung tâm hiện nay chỉ 930 ha, bao gồm phần lớn quận 1, quận 3, quận 4 và phần nhỏ quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, phần về quận Bình Thạnh hiện nay chưa được mọi người công nhận là khu trung tâm. Như vậy, vì sao Khu đô thị mới Thủ Thiêm lại không được quy hoạch gọi là khu trung tâm của TP.HCM?
“Về vấn đề quy hoạch, chúng ta cần phải có sự thay đổi về mặt nhận thức và từ đó mới thấy được vai trò của quy hoạch là hết sức quan trọng”, ông Châu nhấn mạnh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com