Hiện nay, chi phí trung bình để điều hành một quỹ ETF vào khoảng 250.000 USD/năm. Con số chính xác còn phụ thuộc vào khối lượng tài sản của quỹ, các dịch vụ cung cấp, chất lượng chuyên gia đầu tư… Bằng cách này hay cách khác, các quỹ đầu tư phải tìm cách trang trải chi phí này ngay cả khi không thu phí từ nhà đầu tư.
“Luôn luôn cần tiền để làm bất cứ điều gì. Do đó, câu hỏi đầu tiên của tôi là các quỹ trang trải như thế nào khi không thu phí?”, Matt Bartolini, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của SPDR Americas nói.
Câu trả lời là cắt giảm chi phí và tăng cường bán thêm (upsell). Cả 2 yếu tố này có thể tốt trước mắt, nhưng đều có thể tổn hại tới lợi ích của nhà đầu tư trong dài hạn.
Giảm chi phí để hút nhà đầu tư
Các quỹ đầu tư cần chi phí cho nhiều khoản, bao gồm xin giấy phép, tạo chỉ số tham chiếu, chi phí hoạt động nền tảng như ghi nhận dữ liệu, gửi thông báo tới nhà đầu tư, cũng như trả thù lao cho nhân sự, hội đồng đầu tư.
Các quỹ đầu tư không thu phí nhà đầu tư cũng chịu những chi phí này và phải tìm nhiều cách để giảm khoản chi xuống tối thiểu.
Theo đó, quỹ ETF có thể tiết kiệm bằng cách xây dựng tham chiếu dựa trên các chỉ số có sẵn trên thị trường, cung cấp các sản phẩm đơn giản, chi phí xin giấy phép thấp, thuê nhóm chuyên gia đầu tư “hạng hai”, hạn chế sự xuất hiện của nhân viên môi giới và cắt chi phí truyền thông…
Tất cả các động thái này đều có thể mang tới kết quả đầu tư không như ý, thậm chí gây tổn thất cho nhà đầu tư khi đóng quỹ.
Salt Financial, một trong những quỹ ETF “trả tiền” cho nhà đầu tư khi tham gia quỹ, lựa chọn theo dõi một chỉ số gồm các công ty có giao dịch ổn định, chỉ thay đổi một vài cổ phiếu mỗi quý để hạ thấp chi phí chuyển dịch.
Cuối năm ngoái, Salt Financial đã dựng kế hoạch chuyển quỹ ETF này sang một tổ chức do US Bank sở hữu nhằm giảm chi phí quản lý và tổ chức hoạt động.
Người đồng sáng lập quỹ Alfred Eskandar cho biết, những thay đổi này nhằm tiết kiệm tiền. Ông kỳ vọng việc không thu phí sẽ cổ vũ nhà đầu tư tham gia quỹ và họ sẽ gắn bó nếu hiệu suất đầu tư tích cực.
Thủ thuật upsell
Upsell là kỹ thuật nhằm bán được sản phẩm cao cấp hơn và giá cao hơn sản phẩm mà khách hàng đã có hoặc đang muốn mua.
Theo đó, việc không thu phí đối với một sản phẩm là cách mà quỹ đầu tư thu hút và tập hợp được nhóm khách hàng đang có nhu cầu, từ đó thuận lợi hơn cho việc upsell các sản phẩm cao cấp khác của quỹ.
Fidelity Investment khởi sự từ một quỹ đầu tư không thu bất kỳ khoản phí nào từ tháng 8/2018, nhưng chỉ cung cấp cho các khách hàng đã có tài khoản đầu tư tại Công ty.
Trong khi đó, Social Finance Inc xem các sản phẩm không thu phí là cách hiệu quả để mở rộng tệp khách hàng.
Cả 2 quỹ ETF của 2 doanh nghiệp này không thu phí, nhưng các quỹ khác của họ có chi phí lên tới 5,9 USD cho mỗi 1.000 USD uỷ thác đầu tư, cao hơn nhiều so với mức phí trung bình của quỹ ETF.
“Chiến lược ở đây là: Chúng tôi cung cấp một thứ miễn phí để khách hàng nhận ra có rất nhiều thứ hấp dẫn khác mà chúng tôi đang điều hành. Việc bán các sản phẩm có chi phí đắt hơn bên cạnh các khoản đầu tư không thu phí không có gì bất chính”, Michael Venuto, giám đốc đầu tư tại Toroso Investment.
Làn sóng chưa ngừng lại
Làn sóng đưa phí về mức 0 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Thậm chí, đây còn được xem là biện pháp “sinh tồn” trong bối cảnh trên thị trường có tới hơn 2.000 lựa chọn đầu tư khác.
Hơn 70% tài sản của các quỹ ETF tại Mỹ đang nằm trong tay các quỹ đầu tư có thu phí khoảng 2 USD cho mỗi 1.000 USD đầu tư hoặc thấp hơn, và 93% dòng tiền mới chảy vào các sản phẩm tương tự trong năm 2019, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg.
Vanguard Group tiếp tục có động thái hạ mức thu phí với quỹ ETF theo dõi 13 cổ phiếu niêm yết tại London, trong khi BNY Mellon đã nộp đơn xin thành lập 1 quỹ ETF mới không thu phí của nhà đầu tư.
“Nếu họ không được khách hàng trả tiền, họ sẽ trang trải chi phí như thế nào? Thực tế thì các khách hàng không trả phí luôn nhận về những thứ tương xứng với mức bỏ ra, hoặc đã trả phí theo một cách khác”, Dan Egan, giám đốc hành vi tài chính và đầu tư tại Bettermet nhận định.