Ông Nguyễn Thành Long

Ông Nguyễn Thành Long

Quỹ ETF là nền móng đa dạng hóa NĐT

(ĐTCK) Hai năm qua, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) của các NĐT nước ngoài hoạt động khá thành công trên TTCK Việt Nam, trong khi khối công ty quản lý quỹ nội địa hoạt động khá chật vật.

Vì thế, việc ra đời Thông tư 229/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và hoạt động quỹ ETF được công chúng kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho ngành quản lý quỹ trong năm 2013. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thông tư 229 về quỹ ETF sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2013. Ông đánh giá như thế nào về khả năng đón nhận của thị trường đối với sản phẩm ETF?

Mọi sản phẩm mới ra đều cần thời gian kiểm định, vì vậy, khó có thể nói được khả năng tiếp nhận và cũng không nên quá kỳ vọng vào bất kỳ một sản phẩm mới nào của thị trường.

Tuy nhiên, thực tế trên thị trường vốn quốc tế, đây là một trong những sản phẩm được ưa chuộng và được đánh giá là thành công nhất trong hai thập kỷ gần đây. Tính ưu việt của ETF đối với TTCK và NĐT thể hiện ở các khía cạnh sau: (i) tính minh bạch cao; (ii) tính thanh khoản cao, phù hợp với mọi đối tượng NĐT; (iii) cơ chế giao dịch linh hoạt; (iv) chi phí thấp; (v) thiết lập văn hóa đầu tư hiện đại, đầu tư theo chỉ số, phù hợp với sự phát triển của TTCK trong bối cảnh có nhiều chứng khoán niêm yết, trong khi khả năng phân tích, thời gian, năng lực tài chính... của từng NĐT là hạn chế.

Đối với cơ quan quản lý, việc hướng dẫn triển khai sản phẩm ETF nhằm hiện thực hóa các chủ trương đã được xác lập tại các đề án phát triển TTCK cũng như đề án tái cấu trúc TTCK. Sản phẩm này nhằm từng bước đa dạng hóa các sản phẩm trên TTCK, đồng thời đặt nền móng để tiếp tục đa dạng hóa cơ sở NĐT, thu hút thêm các nguồn vốn nhàn rỗi trong nước và quốc tế vào TTCK Việt Nam .

 

Hiện nay, quy định pháp lý liên quan đến việc vận hành quỹ mở như hệ thống hoán đổi cổ phiếu - chứng chỉ quỹ, vay mượn chứng khoán, chứng khoán phái sinh... vẫn chưa có. Nếu các quy định này chưa kịp ban hành, liệu các quỹ ETF có thể ra đời và hoạt động sau khi Thông tư 229 có hiệu lực?

Còn 6 tháng nữa Thông tư 229 mới có hiệu lực. Trung tâm Lưu ký chứng khoán đang gấp rút hoàn thiện các hệ thống này. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ khác. Các hệ thống nêu trên chỉ nhằm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm, giúp các quỹ ETF hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt khi tham chiếu tới các chỉ số được công bố hàng ngày, chứ không phải là điều kiện buộc phải có thì quỹ ETF mới hoạt động được.

Thực tế hiện nay, các quỹ ETF của nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam đang hoạt động theo các quy định hiện hành về giao dịch, thanh toán của Việt Nam, đâu cần phải có những hệ thống, quy định nhằm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm này như đã nêu ở trên.

Nhưng việc thiếu quy định về chứng khoán phái sinh, vay mượn chứng khoán có thể gây rủi ro về giá cho thành viên lập quỹ. Cơ quan quản lý có biện pháp gì để hạn chế rủi ro cho các đơn vị này?

Cũng giống như đã đề cập về các hệ thống có liên quan ở trên, các quy định này chỉ thuần túy giúp các quỹ ETF hoạt động hiệu quả hơn, chứ đó không phải là quy định bắt buộc phải có thì quỹ ETF mới hoạt động được.

Mặc dù vậy, để giảm thiểu tối đa rủi ro thị trường tiềm ẩn trong danh mục cơ cấu mà thành viên lập quỹ nắm giữ, Thông tư 229 quy định số lượng chứng chỉ quỹ trong một lô là 100.000 chứng chỉ quỹ, thay vì 1.000.000 như dự thảo lần 1. Quy định về tài sản ròng tối thiểu chốt ở mức 50 tỷ đồng (không phải là giá trị theo mệnh giá) cũng không phải là quá cao đối với việc thành lập của một quỹ ETF.

Ngoài ra, quỹ chỉ bị buộc phải giải thể khi giá trị tài sản ròng xuống dưới 10 tỷ đồng liên tục trong 6 tháng không phải là quá rủi ro đối với các thành viên lập quỹ.

 

Theo quy định, chỉ số tham chiếu của quỹ đầu tư phải do Sở GDCK xây dựng và quản lý. Liệu điều này có dẫn đến tình trạng nghèo nàn sản phẩm ETF?

Thực tế, chỉ Sở GDCK mới nắm được thông tin chi tiết về các loại chứng khoán niêm yết. Nếu tổ chức khác muốn phát triển các chỉ số, thì cũng vẫn phải mua lại các thông tin này từ Sở GDCK. Vì vậy, việc để Sở GDCK xây dựng và quản lý chỉ số là hợp lý. Trong trường hợp cần thiết, Sở GDCK có thể phối hợp với các tổ chức quản lý chỉ số để phát triển các bộ chỉ số theo nhu cầu của thị trường.

 

Trong thời gian qua, nhiều quỹ đầu tư đại chúng trong nước có định hướng chuyển quỹ đóng thành quỹ mở. Theo ông, liệu quỹ đóng có còn cơ hội phát triển trong tương lai?

Theo thông lệ quốc tế, đối với hoạt động đầu tư tài chính thì mô hình quỹ mở là phổ biến. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các quỹ đóng, đặc biệt khi các quỹ có mục tiêu đầu tư dài hạn, đầu tư vào các tài sản ít thanh khoản nhưng tiềm năng lợi nhuận lâu dài là lớn, hoặc đầu tư vào bất động sản.