Các doanh nghiệp đầu tư dự án điện đang lo lắng vì quyết định dừng hoàn thuế giá trị gia tăng.

Các doanh nghiệp đầu tư dự án điện đang lo lắng vì quyết định dừng hoàn thuế giá trị gia tăng.

Quy định vênh nhau, doanh nghiệp điện mắc kẹt - Bài 1: Cú sốc lớn với các doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Việc cơ quan thuế từ chối tiếp nhận hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng như "sét đánh ngang tai" với nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện.

Lời tòa soạn: Các văn bản, chính sách về hoàn thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện thiếu thống nhất và khó thực thi đang đẩy hàng trăm doanh nghiệp vào thế khó khi dòng tiền dự án đột ngột bị thay đổi. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực, thì tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là việc hết sức cấp thiết.

Bài 1: Cú sốc lớn với các doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện đang kêu cứu vì quyết định dừng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Tổng cục Thuế. Thậm chí, doanh nghiệp còn đối diện với nguy cơ bị truy thu và phạt chậm nộp hàng ngàn tỷ đồng.

Động thái bất ngờ

Nhiều doanh nghiệp đã “ngã ngửa” khi hồ sơ xin hoàn thuế GTGT đầu vào cho dự án điện bị cơ quan thuế từ chối tiếp nhận. Trong khi trước đây, việc hoàn thuế GTGT vẫn diễn ra bình thường.

Lý do treo hoàn thuế, theo phân tích của giám đốc pháp lý một doanh nghiệp điện, là bởi Tổng cục Thuế có văn bản gửi đến cục thuế các tỉnh yêu cầu chỉ được hoàn thuế khi dự án có Giấy phép hoạt động điện lực.

Cụ thể, cơ quan thuế cho rằng, theo khoản 2, Điều 10, Văn bản hợp nhất số 10 các nghị định hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, thì dự án đầu tư ngành điện là dự án đầu tư, kinh doanh có điều kiện và chỉ được hoàn thuế GTGT khi được cấp Giấy phép hoạt động điện lực.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành hữu quan, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, xóa bỏ những nội dung bất cập, không khả thi, cho phép các Dự án ngành điện nói riêng và các Dự án trọng điểm nói chung được hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư, tạo điều kiện về vốn cho Dự án đúng với tinh thần của Nghị quyết số 115/2020/NQ-CP.

Trong khi, theo Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công thương quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động điện lực, thì giấy phép này chỉ được cấp khi dự án đầu tư đã hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu (chậm nhất 15 ngày trước khi vận hành thương mại).

Trớ trêu là, khoản 3, Thông tư số 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính lại quy định, khi dự án đi vào hoạt động, tức là hết giai đoạn đầu tư xây dựng, thì không được hoàn thuế GTGT.

Ông Võ Duy Tấn, Giám đốc Công ty cổ phần Điện gió Phong Liệu lo lắng, nếu theo các quy định trên thì dự án đầu tư ngành điện sẽ rất khó để áp dụng được các quy định về hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư, trong khi đây là loại dự án có vốn đầu tư lớn, triển khai trong một thời gian dài, cần được áp dụng chính sách hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án. Dự án của Công ty Phong Liệu có thuế GTGT đầu vào gần 152 tỷ đồng, để giảm bớt áp lực về nguồn vốn đầu tư quá lớn, Công ty đang tiến hành lập hồ sơ hoàn thuế GTGT cho dự án, nhưng thực tế khiến mọi dự liệu của doanh nghiệp thay đổi.

“Sét đánh ngang tai” doanh nghiệp

Từ hàng chục năm nay, các doanh nghiệp ngành điện vẫn thực hiện việc hoàn thuế GTGT trong quá trình đầu tư. Do suất đầu tư ngành điện rất lớn, nên việc hoàn thuế này đều được đưa vào dự toán dòng tiền và phương án vay vốn của doanh nghiệp.

Bởi thế, quyết định ngưng việc hoàn thuế này, theo đánh giá của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chẳng khác nào “sét đánh ngang tai” doanh nghiệp.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, Trung Nam Group, một trong những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho biết, trên cơ sở các hợp đồng, các nhà cung cấp đã tiến hành sản xuất thiết bị và đưa đến công trường. Từ tháng 2/2021 đến nay, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Phước Hữu đã nhập khẩu khối lượng thiết bị hơn 1.000 tỷ đồng và đã nộp vào ngân sách tỉnh Ninh Thuận gần 100 tỷ đồng, tương đương 10% thuế GTGT hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, tổng mức đầu tư của Trung Nam Phước Hữu là 1.650 tỷ đồng; tổng mức đầu tư của Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 là 16.500 tỷ đồng; tổng mức đầu tư của Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Trà Vinh 1 là 5.000 tỷ đồng.

Tổng số thuế dự kiến được hoàn của các dự án trên là hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua các buổi làm việc giữa các cục thuế và doanh nghiệp, Trung Nam nhận được phản hồi từ Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận, Đắk Lắk, Trà Vinh là: “Dự án nằm trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì không được hoàn thuế”.

Không chỉ Trung Nam, mà hàng chục doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện Nậm Ban 3, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông; Công ty cổ phần Phát triển thủy điện; Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Lúc; Công ty cổ phần Năng lượng và Thương mại Đông Á, Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái, Công ty cổ phần Năng lượng Agrita - Quảng Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Tranh 4, Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre, Điện lực Dầu khí Long Phú 1, Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1… đã có ý kiến phản ánh về bất cập trên tới Tổng cục Thuế cũng như các địa phương mà họ đang đầu tư.

Nhiều UBND tỉnh và cục thuế các tỉnh như Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Bạc Liêu… đều có công văn gửi Tổng cục Thuế đề nghị xem xét và có phương án giải quyết vướng mắc hoàn thuế đối với dự án đầu tư ngành điện trên địa bàn tỉnh.

Trước nhiều ý kiến như vậy, ngày 18/3, Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với 13 doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư điện tại Việt Nam đang bị vướng vấn đề này.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Xuân Bách, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp đầu tư ngành điện đang gặp phải, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Bách cho biết, hiện Tổng cục Thuế đang cố gắng cùng doanh nghiệp nghiên cứu chính sách, tìm ra định hướng, giải quyết những vấn đề liên quan.

Trong khi hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế GTGT còn đang bị treo do sự thiếu thống nhất về chính sách, thì các doanh nghiệp ngành điện lại đứng trước mối lo lớn khác. Đó là khả năng bị truy thu và phạt chậm nộp số thuế GTGT đã được hoàn trước đây.

Mối lo này xuất phát từ các công văn mà Tổng cục Thuế gửi đến các cục thuế địa phương gần đây.

Cụ thể, ngày 18/11/2020, Tổng cục Thuế có Công văn số 4920/TCT-KK, yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, báo cáo hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư ngành điện.

Ngày 25/2/2021, Tổng cục Thuế tiếp tục có Công văn số 470/TCT-KK về việc rà soát, thu hồi hoàn thuế GTGT gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công văn này nhấn mạnh: “Để đảm bảo quản lý hoàn thuế GTGT theo đúng quy định của pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát các trường hợp hoàn thuế GTGT đầu vào của dự án ngành điện có thời điểm nộp hồ sơ hoàn thuế chưa đáp ứng điều kiện về Giấy phép hoạt động điện lực theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế để thực hiện thu hồi hoàn thuế và xử lý theo quy định”.

Tiếp đó, ngày 31/3/2021, Tổng cục Thuế lại có Công văn hỏa tốc số 916/TCT-CS về việc rà soát hồ sơ hoàn thuế GTGT dự án đầu tư ngành điện gửi tới cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế rà soát hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đối với các trường hợp cục thuế đã giải quyết hoàn thuế GTGT đầu vào của các dự án đầu tư ngành điện, nhưng tại thời điểm ban hành quyết định hoàn thuế, doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện về Giấy phép hoạt động điện lực.

Theo ước tính của các chuyên gia trong ngành, số tiền mà ngành thuế đã hoàn lại cho các doanh nghiệp từ trước đến nay thuộc diện trên có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan