Quy định tại Điều 79, Luật Đất đai (sửa đổi) về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được đánh giá là đảm bảo được tính công khai, minh bạch, dễ giám sát
Chỉ thu hồi trong trường hợp thật cần thiết
Ròng rã qua 4 kỳ họp của Quốc hội, từ phiên thảo luận đầu tiên cho đến phiên thảo luận cuối cùng tại nghị trường, thu hồi đất nói chung và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nói riêng là vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.
Bởi, theo Hiến pháp, tổ chức, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Sửa đổi quy định về thu hồi đất như thế nào để đảm bảo được tinh thần đó, hạn chế tối đa sự lạm dụng trong thu hồi đất dẫn đến những khiếu kiện dai dẳng, gây bức xúc ở nhiều nơi trong thời gian vừa qua, là nhiệm vụ không hề dễ dàng với Luật Đất đai (sửa đổi).
Ở Luật Đất đai năm 2013, Điều 62 quy định, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong 3 trường hợp: thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất; thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất; thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất. Ở trường hợp thứ hai và thứ ba có kể tên một số loại dự án cụ thể.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được công bố lấy ý kiến nhân dân sau khi định nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thì quy định 2 nhóm dự án (trong mỗi nhóm lại chia ra nhiều loại dự án) Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án này. Dù đã cụ thể hơn nhiều so với Luật Đất đai hiện hành, song như thế vẫn quá sơ sài, dẫn đến tùy nghi trong thực hiện, theo nhiều góp ý khi đó.
Qua nhiều phiên bản khác, đến Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (kỳ họp dự kiến thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, vào cuối năm 2023), Điều 79 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) quy định: Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa, trong 32 trường hợp cụ thể.
Và cụm từ “thật cần thiết” được nhấn mạnh trong Hiến pháp vẫn chưa xuất hiện ở câu dẫn này.
Cho đến Dự thảo trình Quốc hội bấm nút tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm (ngày 18/1/2024), tiếp thu ý kiến đại biểu, cụm từ “thật cần thiết” đã được bổ sung vào phần mở đầu của Điều 79 để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
Các trường hợp “thật cần thiết” đó gồm 31 trường hợp được liệt kê cụ thể, như để xây dựng công trình giao thông; thủy lợi; cấp thoát nước; xử lý chất thải; năng lượng, chiếu sáng công cộng; dầu khí; hạ tầng bưu chính, viễn thông; chợ dân sinh, chợ đầu mối; tín ngưỡng, tôn giáo; khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng; trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trụ sở hoặc văn phòng đại diện của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Vẫn thuộc điều này còn có thu hồi đất để xây dựng cơ sở văn hóa, di tích lịch sử; cơ sở y tế, dịch vụ xã hội; giáo dục, đào tạo; cơ sở thể dục, thể thao; khoa học và công nghệ; ngoại giao; xử lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, khí tượng, thủy văn, đăng kiểm, kiểm dịch động vật, thực vật; dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao; khu sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung; hoạt động lấn biển; khai thác khoáng sản; dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông.
Nhà nước cũng có thể thu hồi đất cho dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, dự án khu dân cư nông thôn; nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác, sử dụng công trình ngầm; dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư…
Khoản 32, Điều 79, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của điều này, thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thay đổi lớn trong tư duy
Quy định tại Điều 79, Luật Đất đai (sửa đổi) đã đảm bảo được tính công khai, minh bạch, dễ giám sát và khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan như đã xảy ra trước đây, là nhận xét chung của cả doanh nhân, chuyên gia, đại biểu Quốc hội.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, một trong những điểm mới tiến bộ nhất là quy định tại khoản 27, Điều 79.
Khoản này quy định, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn.
Đối với các dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại, dịch vụ không đáp ứng tiêu chí này, thì thực hiện theo hình thức thỏa thuận hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có, theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, quy định trên thể hiện sự thay đổi lớn trong tư duy lập pháp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông An chia sẻ: “Có thể còn có ý kiến chưa đồng thuận, nhưng quan điểm của tôi là phải có quy định thu hồi đất cho các khu đô thị tầm cỡ lớn và theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
Tuy nhiên, cũng như một số vị đại biểu khác, ông An cho rằng, quá trình thực thi quy định tại khoản 27, Điều 79 phải rất cẩn trọng để hài hòa lợi ích cả 3 nhà là Nhà nước - nhà đầu tư và nhà dân (có đất bị thu hồi). Cụ thể, phải làm rõ được sự chênh lệch về giá sau đó (như lâu nay vẫn nói đền bù vài trăm ngàn đồng/m2, nhưng sau đó bán ra vài chục triệu đồng/m2) là từ đâu mà có và có đúng quy định hay không, tránh đưa mặt bằng giá lên quá cao.
Vị đại biểu là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng cho rằng, bổ sung khoản 32, Điều 79 vào Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết.
“Khoản này là thông điệp để dân biết, trong trường hợp thực sự cần thiết thu hồi đất phát sinh, nhưng chưa có trong quy định của Luật Đất đai (sửa đổi), thì Quốc hội sẽ thực hiện như thế nào”, ông An nhìn nhận.
Thu hồi đất đối với các dự án nhà ở xã hội là cần thiết
Về quy định tại Điều 79, Luật Đất đai (sửa đổi), có ý kiến đại biểu cho rằng, đối với các dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về tài chính, thì cần phải thỏa thuận với người sử dụng đất, thu hồi đất theo cơ chế thị trường.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” là nguyên tắc đã được quy định tại khoản 3, Điều 59, Hiến pháp năm 2013. Do đó, trong thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách để phát triển nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội ít được nhà đầu tư quan tâm so với việc phát triển nhà ở thương mại. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, trong đó việc thu hồi đất đối với các dự án nhà ở xã hội là cần thiết để đảm bảo phục vụ lợi ích của đa số người dân khó khăn về nhà ở.