Quy định về phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay trong Thông tư 06 là trái pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa kết luận kiểm tra Thông tư 06/2023/TT-NHNN và phát hiện có nội dung trái pháp luật.
Quy định về phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay trong Thông tư 06 là trái pháp luật

Theo đó, tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06 quy định quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay trong quy định nội bộ về cho vay của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu tổ chức tín dụng "phải có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thoả thuận của các bên tại thoả thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, pháp luật về biện pháp đảm bảo (Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ) chỉ quy định việc gửi tiền vào tài khoản phong toả tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp ký quỹ, không có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay như quy định nêu trên của Thông tư 06.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ) thì tài khoản thanh toán bị phong toả một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 3 trường hợp: Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền, số tiền bị phong toả trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót; khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kết luận, như vậy việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, cũng như hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xử lý các nội dung trái pháp luật nêu trên.

Đồng thời, rà soát quá trình thực hiện Thông tư 06 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có); xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản theo quy định tại Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Tin bài liên quan