Ảnh Internet

Ảnh Internet

Quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết tại Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ được thực hiện như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu chuyện các nhà đầu tư nước ngoài loay hoay khi bị giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn tối đa trong một doanh nghiệp không phải là vấn đề mới tại Việt Nam.

Sau quá trình thảo luận và nghiên cứu kinh nghiệm của Thái Lan, Luật Doanh nghiệp 2020 đã lần đầu tiên quy định một kênh đầu tư mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà không lo vướng phải ngưỡng giới hạn này.

Đó là thông qua việc mua Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non - Voting Depository Receipt), gọi tắt là “NVDR”. Tuy nhiên, mặc dù quy định đã có, nhưng nội dung điều luật vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ, đặt ra các câu hỏi về việc triển khai và thực thi trên thực tế sẽ được tiến hành như thế nào?

Luật Doanh nghiệp 2020 lần đầu tiên quy định về NVDR

Nội dung về NVDR được đề cập duy nhất tại một điều khoản trong Luật Doanh nghiệp 2020.

Cụ thể, khoản 6, Điều, 114 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết”.

Dựa vào quy định trên, có thể hiểu rằng NVDR là loại chứng chỉ lưu ký được phát hành dựa trên tài sản cơ sở là cổ phần phổ thông, và bản thân NVDR không phải là cổ phần. Vì vậy, việc sở hữu NVDR sẽ không dẫn đến sự thay đổi về tỷ lệ vốn mà các nhà đầu tư đang nắm giữ trong công ty cổ phần, cũng như không ảnh hưởng đến vốn điều lệ của công ty cổ phần nói chung.

Tuy nhiên, có một hạn chế rất rõ đặt ra đối với loại chứng chỉ này, thể hiện ngay ở tên gọi của nó – đó là không có quyền biểu quyết. Và Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không ghi nhận bất kỳ ngoại lệ nào đối với trường hợp này, do đó, có thể hiểu rằng NVDR sẽ không đem lại cho người sở hữu nó bất kỳ quyền biểu quyết nào đối với mọi vấn đề tại Đại hội đồng cổ đông.

Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh triển khai NVDR trên thực tiễn thì quy định trên vẫn chưa đủ để tạo ra khung pháp lý cần thiết. Bởi lẽ vẫn có nhiều vấn đề chưa thật sự rõ ràng, đặt ra hàng loạt các câu hỏi như sau:

- Có phải bất kỳ cổ đông nào cũng có thể sở hữu cổ phần phổ thông cơ sở (loại cổ phần dùng làm tài sản cơ sản để phát hành NVDR) hay có bị hạn chế không?

- Tỷ lệ phát hành NVDR sẽ như thế nào? 1 cổ phần phổ thông cơ sở có thể phát hành mấy NVDR?

- Các nhà đầu tư sở hữu NVDR sẽ nhận các lợi ích kinh tế một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua cổ đông phát hành NVDR?

Mô hình NVDR ở Thái Lan

Theo quy định tại Thái Lan hiện nay, việc mua và bán NVDR được thực hiện thông qua một tổ chức trung gian là Công ty TNHH NVDR Thai Lan. Đây là một công ty con do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan thành lập.

Công ty này (hay thường được gọi là “Tổ chức phát hành”) sẽ đóng vai trò trung gian trong mối liên hệ giữa các công ty cổ phần và những nhà đầu tư muốn mua NVDR tại các công ty cổ phần đó.

Mô hình này chủ yếu vận hành trên nguyên tắc có cầu thì mới có cung. Khi nhà đầu tư có nhu cầu mua NVDR của một công ty cổ phần cụ thể, họ sẽ tiến hành đặt lệnh mua trên Sàn Giao dịch chứng khoán. Dựa vào lệnh mua này, Tổ chức phát hành sẽ xác định công ty cổ phần cần liên hệ để mua cổ phần cũng như số lượng cổ phần cần mua (những công ty cổ phần này thường được gọi chung là “Công ty mục tiêu”).

Khi đã mua được cổ phần của Công ty mục tiêu, Tổ chức phát hành sẽ dựa trên số cổ phần đã mua được để phát hành NVDR, theo tỷ lệ 1:1, cứ một cổ phần sẽ được dùng làm cơ sở để phát hành một NVDR. Sau đó, bán lại NVDR cho các nhà đầu tư đã đặt lệnh mua.

Khi đã mua NVDR, cần lưu ý rằng các quyền lợi tài chính mà chủ sở hữu NVDR được hưởng sẽ không được nhận trực tiếp, mà toàn bộ đều nhận gián tiếp thông qua Tổ chức phát hành.

Chẳng hạn, khi Công ty mục tiêu chia cổ tức bằng tiền mặt, Tổ chức phát hành với tư cách là cổ đông sẽ được nhận cổ tức. Sau đó, sẽ chuyển lại cho các nhà đầu tư có tên trong Sổ đăng ký NVDR tính cho đến ngày đóng Sổ đăng ký NVDR hoặc ngày ghi sổ của Tổ chức phát hành, trùng với ngày đóng Sổ đăng ký cổ phần của Công ty mục tiêu hoặc ngày ghi nhận của Công ty mục tiêu về quyền nhận cổ tức (tùy từng trường hợp áp dụng).

Số tiền cụ thể mỗi nhà đầu tư nhận được sẽ được thông báo và phân bổ tương ứng với tỷ lệ NVDR mà họ sở hữu theo các hình thức sau: (a) dưới hình thức kiểm tra thực tế đến địa chỉ của từng nhà đầu tư đã được ghi rõ trong Sổ đăng ký NVDR hoặc (b) chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư.

Khoản thanh toán này sẽ được chuyển cho nhà đầu tư trong khoảng thời gian và theo các thủ tục do Tổ chức phát hành quy định và sẽ được thực hiện bằng cùng một loại tiền tệ mà Tổ chức phát hành đã nhận được từ Công ty mục tiêu.

Từ một số quy định cụ thể và chi tiết của Thái Lan về NVDR như đã trình bày ở trên, có thể thấy việc triển khai áp dụng NVDR trong thực tiễn tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ có rất nhiều vấn đề và câu hỏi cần được giải quyết.

Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ mới quy định một số nội dung cơ bản để định danh về loại chứng chỉ không có quyền biểu quyết này, và trao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành các quy định cụ thể. Vì vậy, các quy định của Thái Lan về NVDR cũng là một kênh tham khảo để các nhà đầu tư chủ động tìm hiểu và nắm bắt cơ hội đầu tư trong thời gian sắp tới.

Tin bài liên quan