Thị trường sẽ định đoạt mức lãi suất nào là hợp lý, mà thị trường luôn công bằng - nhiều khi “công bằng” đến khắc nghiệt.
Trước hết phải khẳng định, việc sửa đổi Điều 476, Bộ luật Dân sự về quy định trần lãi suất trong quan hệ vay mượn dân sự là cần thiết. Bởi khi chúng ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các quy định của pháp luật cũng phải tiệm cận hơn với quy luật thị trường, đặc biệt là càng phải dự liệu được những tình huống sẽ nảy sinh khi thực hiện nền kinh tế thị trường đầy đủ. Và do đó, càng cần có nhiều công cụ để bảo vệ người dân, bảo vệ các hoạt động kinh tế lành mạnh.
Chính vì lẽ đó, rất cần một tư duy thị trường rành mạch xung quanh chuyện “trần lãi suất”, để những quy định mới sau sửa đổi vừa có đủ hiệu lực điều chỉnh hành vi của xã hội, vừa có thể thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường đang còn sơ khai ở nước ta.
Cuộc sống luôn nảy sinh những nhu cầu sử dụng tài chính trước khi có khả năng tài chính, đây là thực tế xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, trình độ kinh tế nào, cho dù có đi theo con đường xây dựng kinh tế thị trường hay không. Khi trong xã hội có nhu cầu vay, thì sẽ xuất hiện người cho vay. Các quan hệ dân sự này sẽ ngày càng đa dạng và phong phú, muôn hình vạn trạng đến mức, nếu pháp luật không nhận diện được những yếu tố cơ bản thì sẽ khó có thể bao quát được các tình huống cần điều chỉnh.
Quan trọng là, chúng ta phải có một cái “van” nhạy bén để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Nếu vậy, liệu chúng ta có cần đến trần lãi suất vay mượn dân sự?
Hãy để thị trường trả lời câu hỏi trên, bởi nếu chỉ quy định trần lãi suất vay mượn dân sự, mà không quy định trần lãi suất vay mượn thương mại (tức hoạt động tín dụng), thì sẽ nảy sinh sự không “công bằng”. Và rằng, nếu không quy định trần cho vay tín dụng thương mại, thì các ngân hàng sẽ dâng lãi suất lên cao quá,doanh nghiệp làm sao chịu nổi.
Khái niệm là như vậy, nhưng về bản chất, hai loại hình vay mượn trên hoàn toàn khác nhau. Do vậy, khái niệm “công bằng”, nếu chỉ hiểu theo nghĩa là phải quy định trần như nhau, thì là một cách hiểu rất… “thiếu công bằng” đối với các định chế tài chính có chức năng hoạt động tín dụng, như các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính…
Bởi lẽ, các định chế tài chính này được thành lập và hoạt động theo những quy định khá khắt khe của luật chuyên ngành; cần có rất nhiều điều kiện đảm bảo sự an toàn khi hoạt động, phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý chuyên ngành, của các thiết chế giám sát khác, phải công bố báo cáo tài chính thường niên, thậm chí theo quý cho cơ quan quản lý nhà nước… Nếu là tổ chức đã niêm yết thì còn chịu sự giám sát của đại hội đồng cổ đông, của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…
Trong khi đó, hoạt động vay mượn dân sự (do Bộ luật Dân sự điều chỉnh), là một hoạt động tự do, nảy sinh trong vô vàn các quan hệ dân sự mà nếu không có một bên khởi kiện thì các hành vi vi phạm Luật Dân sự cũng… không được biết tới. Vì thế, không nên coi việc “áp đặt trần lãi suất” là một sự “công bằng”.
Quan điểm khác lại lo ngại rằng, nếu không đặt trần lãi suất thì làm sao quản được các ngân hàng, công ty tài chính không dâng lãi suất cho vay lên cao? Để trả lời câu hỏi này không khó, bởi thực tế hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn “quản” trần lãi suất thông qua việc quy định trần lãi suất huy động ngắn hạn, để đảm bảo tính hiệu quả của các chính sách tiền tệ khác như quản lý thị trường vàng, quản lý thị trường ngoại hối…
Hơn nữa, do hoạt động trong kinh tế thị trường, các định chế tài chính này cũng phải tuân theo các quy luật thị trường, mà trong đó quy luật cung - cầu là yếu tố điều tiết mạnh mẽ nhất. Các định chế này theo đó cũng phải chịu tác động của yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, việc định giá vốn (lãi suất chính) không thể do các ngân hàng hay công ty tài chính tự định đoạt. Thị trường sẽ định đoạt mức lãi suất nào là hợp lý, mà thị trường luôn công bằng - nhiều khi “công bằng” đến khắc nghiệt.
Đây cũng chính là lý do và là đích đến của tiến trình thực hiện tự do hóa lãi suất, giảm bớt các can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào thị trường, hướng tới một thị trường tài chính lành mạnh, minh bạch. Vì thế, một lần nữa, rất cần tư duy rành mạch về tính tất yếu của yếu tố thị trường trong từng loại hình vay mượn. Có như vậy mới có thể đưa ra những quyết đáp đúng theo định hướng phát triển kinh tế thị trường, như chủ trương kiên trì của Đảng và Nhà nước đang hướng tới.