Ảnh minh hoạ.
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) dành riêng một điều quy định về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ là nội dung đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự của hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, diễn ra từ 5-7/4/2023.
Đây là dự thảo đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các vấn đề lớn trong phiên họp tháng 3/2023.
Sau khi chỉnh lý, Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư.
Một trong các vấn đề được quan tâm qua các phiên thảo luận là quy định về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, tại dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 3/2023 điều 81 quy định: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ thì được góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu bổ sung một điều về thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã. "Vấn đề này vướng lắm, tôi cũng nói mấy lần rồi", ông Huệ nhấn mạnh và nêu rõ, thực tế kể cả thế giới và Việt Nam thì doanh nghiệp không chuyển đổi thành hợp tác xã nhưng thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã đã có nhiều mà sắp tới nhu cầu rất lớn.
Tiếp thu ý kiến Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật cho biết sẽ cùng cơ quan thẩm tra cụ thể hóa hơn hoặc tách ra thành một điều riêng về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Tại dự thảo trình hội nghị đại biểu chuyên trách, điều 81 đã được tách thành 2 điều về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại điều 81 và góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp tại điều 82.
Theo đó, dự thảo quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW .
Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp và trở thành thành viên hoặc cổ đông có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối của doanh nghiệp thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ, tương tự như đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc với tư cách là thành viên, cổ đông của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với doanh nghiệp, Dự thảo cũng đã bổ sung quy định tại khoản 4 điều 81 và khoản 1, khoản 3 điều 82 về việc doanh nghiệp được thành lập không được trở thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không được góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp đang là thành viên chính thức hoặc thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần không được trở thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đó nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với doanh nghiệp.
Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2022).