Quy định tại Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân không hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí

0:00 / 0:00
0:00
Gồm 9 chương, 152 điều, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2024 vừa được công bố, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Trong trường hợp cần thiết, khi báo chí yêu cầu, Tòa án có thể cung cấp toàn bộ hình ảnh và diễn biến phiên tòa để phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của báo chí.

Thông tin trên được Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết tại cuộc họp báo công bố các Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, sáng 22/7.

Quá trình hoàn thiện dự thảo luật này, sau nhiều tranh luận, Quốc hội cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp, việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Tại cuộc họp báo, các câu hỏi liên quan đến tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa cũng được đặt ra.

Trả lời, ông Nguyễn Văn Tiến nói, các hoạt động thông tin tại phiên tòa cũng phải tuân theo quy định của pháp luật. Tương tự, các đối tượng tham gia phiên tòa, phiên họp đều phải nghiêm chỉnh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật cũng như nội quy phiên tòa.

Việc này nhằm giúp cho phiên tòa, phiên họp được tiến hành đúng pháp luật, chất lượng, trang nghiêm; đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật…, Phó chánh án giải thích.

Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng. Đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, ông Nguyễn Văn Tiến nói thêm.

Song, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao khẳng định: “Nội dung quy định này sẽ không hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí”.

Theo quy định tại khoản 3 điều 141 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2024, việc ghi âm lời nói được thực hiện trong toàn bộ thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp.

Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Luật cũng quy định Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

“Trong trường hợp cần thiết, báo chí yêu cầu cung cấp, Tòa án hoàn toàn có thể cung cấp toàn bộ hình ảnh và diễn biến phiên tòa để phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của báo chí”, ông Tiến cho biết. Nhưng Phó chánh án cũng nhấn mạnh việc này đồng thời phải tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Vấn đề khác cũng được báo chí quan tâm là Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2024 bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt: Hành chính, Sở hữu trí tuệ và Phá sản.

Việc này, nhằm bảo đảm tính chuyên môn hoá và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản; bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính, theo cơ quan soạn thảo.

Vậy bao giờ ba tòa này được thành lập, cơ cấu tổ chức ra sao?. Trả lời câu hỏi này Phó chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết căn cứ vào tình hình thực tiễn, trên cơ sở số liệu từng loại vụ việc mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết; điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, Tòa án Nhân dân tối cao đang rà soát, nghiên cứu và sẽ xây dựng phương án đề xuất, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Sau đó, sẽ trình Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định.

Có thể cho thành lập các tòa án này sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Phá sản được sửa đổi, bổ sung. Số lượng từng tòa án sơ thẩm chuyên biệt, đặt trụ sở ở đâu, phạm vi thẩm quyền như thế nào, Tòa án Nhân dân tối cao đang xây dựng phương án và đề xuất, ông Tiến thông tin thêm.

Ngoài các nội dung trên, Luật mới còn có 1 số điểm mới đáng chú ý xung quanh quy định về thẩm phán.

Như, về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, Luật bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi, phải từ đủ 28 tuổi trở lên.

Đối với người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại các Tòa án, Luật quy định không cần điều kiện phải được “đào tạo nghiệp vụ xét xử”.

Luật cũng bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Theo quy định, Thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý, khách quan và công bằng, chỉ tuân theo pháp luật; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

Gồm 9 chương, 152 điều; giảm 2 chương, nhưng tăng 54 điều so với Luật ban hành năm 2014, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Tin bài liên quan