Không ai trả lời được điều này và đây chính là sự bất cập khi mà rất nhiều cán bộ ngân hàng vẫn can án vì “hành vi khác”. Bất cập này đã được xóa bỏ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành. Tuy nhiên, dường như một "cạm bẫy" mới vừa được hình thành để thay thế cho bất cập cũ.
Bất cập cũ
Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, có ba dạng hành vi sẽ bị coi phạm tội vi phạm cho vay, đó là “cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật”, “cho vay vượt quá giới hạn quy định” và “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay”.
Thực tiễn đã chỉ rõ, với hai hành vi đầu hiếm có trường hợp các cán bộ ngân hàng phạm phải. Bởi các trường hợp bắt buộc phải cho vay có tài sản bảo đảm đã được quy định rất rõ ràng tại Luật Các tổ chức tín dụng, như cấm cho vay không có bảo đảm đối với tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại ngân hàng, cổ đông lớn...
Tương tự, các giới hạn cho vay mà hệ thống ngân hàng phải tuân thủ cũng được Ngân hàng Nhà nước chỉ ra cụ thể. Dựa trên các quy định minh bạch này, giới ngân hàng có thể luôn “để mắt trông coi” và không bao giờ phạm phải vòng cấm pháp luật. Vì thế, hầu như chưa bao giờ có cán bộ ngân hàng bị xét xử về hai hành vi nêu trên.
Nhiều năm qua, các cán bộ ngân hàng đều can án, lâm vào cảnh tù tội bởi loại hành vi phạm tội có tên gọi “hành vi khác”. Hành vi khác là hành vi nào? Về nguyên tắc thì đó phải là hành vi mà có quy định pháp luật cụ thể chỉ ra rằng nếu vi phạm quy định này sẽ bị xử lý hình sự theo “hành vi khác” mà Điều 179 Bộ luật Hình sự quy định. Thế nhưng, trong hàng chục nghìn văn bản pháp luật lại không hề có một quy định như vậy. Đồng nghĩa với việc, nếu xét xử đúng nguyên tắc nêu trên, sẽ không bao giờ có người bị kết tội vì “hành vi khác”.
Hệ lụy từ “Hành vi khác” chỉ chấm dứt khi Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời. Từ thời điểm này, mọi vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng được gói gọn vào Điều 206 về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
"Cạm bẫy" mới
Mới đọc thì tưởng như Điều 206 là một điều luật tiến bộ đối với trách nhiệm pháp lý của cán bộ ngân hàng. Quả thật không ít ý kiến từ chính giới ngân hàng đã hân hoan nhận định như vậy. Lý do là, ngoại trừ việc ghi nhận hai hành vi vi phạm cho vay hiếm gặp như Điều 179 của Bộ luật trước, Điều 206 Bộ luật Hình sự mới đã bỏ đi “hành vi khác”.
Nhưng xem xét kỹ Điều 206 này, giới ngân hàng cần phải dập tắt ngay những vui mừng, khấp khởi vừa mới lóe lên. Thay vào đó cần nhường chỗ cho sự đề phòng trước một cạm bẫy mới còn rủi ro hơn nhiều so với bất cập “hành vi khác” trước đây.
Điểm e, khoản 1, Điều 206 có nêu một trong những hành vi vi phạm của lĩnh vực ngân hàng, nguyên văn: “e) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng hoặc mua bán tài sản”.
Nằm khá ẩn dật trong nội dung tổng hợp này có cụm từ “điều kiện cấp tín dụng”. Trong mối tương quan với các hành vi khác được đề cập thành từng điểm độc lập tại Điều 206, thì vi phạm “điều kiện cấp tín dụng” tưởng chừng như không mấy nổi bật. Thế nhưng, chỉ với nội dung này thôi, hầu hết các sai sót trong hoạt động cho vay của ngân hàng đều có thể bị quy kết trách nhiệm hình sự.
Điều kiện vay vốn được Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều 7, Thông tư số 39 về Hoạt động cho vay. Các điều kiện này rất bao quát trách nhiệm của ngân hàng như phải bảo đảm khách hàng có nhu cầu vay vốn hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ…
Thực tiễn cho thấy, cứ thiệt hại phát sinh thì 100% khả năng một trong các điều kiện cho vay trên bị vi phạm. Ví dụ khách hàng không trả nợ, chắc chắn phải do phương án sử dụng vốn không khả thi hoặc không có khả năng tài chính để trả nợ. Như vậy, chỉ cần có sai sót trong nghiệp vụ là cán bộ ngân hàng có nguy cơ bị quy chiếu đến không bảo đảm điều kiện cho vay quy định. Nếu có thiệt hại phát sinh từ mức 100 triệu đồng trở lên, nguy cơ cán bộ ngân hàng bị xử lý hình sự hiển hiện theo Điều 206.
Điều này gây ra tình trạng còn tệ hại hơn về trách nhiệm pháp lý trong ngành ngân hàng. Trước đây, vì bất cập mờ ảo của “hành vi khác” tại Điều 179 của Bộ luật Hình sự cũ mà trong một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xem xét lập luận dưới góc độ cần thiết giảm nhẹ trách nhiệm cho cán bộ ngân hàng. Nhưng nay, các “điều kiện cấp tín dụng” cụ thể của ngành ngân hàng được chuyển hóa thành quy định hình sự đã tạo nên cơ sở quy kết trách nhiệm khá rõ ràng.
Suy cho cùng, giới ngân hàng cần thận trọng trước Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi bất cập cũ không hề mất đi mà nó chỉ chuyển hóa thành "cạm bẫy" mới.