Dễ cho cán bộ thuế…
Chẳng hạn, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định, người nộp thuế có thể bị công khai thông tin trong 3 trường hợp: Trốn thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn; vi phạm pháp luật về thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác; không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật…
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc công khai thông tin của người nộp thuế có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng làm doanh nghiệp phá sản và không có khả năng nộp thuế. Vì vậy, cần thận trọng với việc áp dụng chế tài này, tránh tình trạng tùy tiện.
"Khi khái niệm 'vi phạm pháp luật về thuế' chưa rõ ràng, liệu hành vi 'kê khai sai do cách hiểu khác nhau' của người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế do văn bản quy phạm pháp luật chưa tường minh có bị coi là vi phạm không?', VCCI nêu câu hỏi và cho rằng, cần phải làm rõ tiêu chí “không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật” để giảm thiểu tác động tiêu cực cho doanh nghiệp khi chưa có kết luận cuối cùng...
Liên quan đến thời hạn thanh tra thuế, kết quả điều tra thuế của VCCI cho thấy, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thuế trên thực tế có thời gian kéo dài, có trường hợp đến vài tháng, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp phải bố trí cán bộ, nguồn lực để cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin và thời gian này không được tính vào thời gian thanh tra. Điều này khiến nhiều cuộc thanh tra phải gia hạn nhiều lần…
Bởi vậy, cần khắc phục tình trạng này bằng cách đưa vào dự thảo Luật các tiêu chí cụ thể, chặt chẽ để gia hạn thanh tra, cũng như việc tạm dừng, tạm hoãn thanh tra...
Việc công khai thông tin của người nộp thuế có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng làm doanh nghiệp phá sản và không có khả năng nộp thuế.
Doanh nghiệp phản ánh, hiện Luật Quản lý thuế chưa quy định thời hạn được miễn kiểm tra, thanh tra nếu doanh nghiệp không nằm trong danh sách kiểm tra, thanh tra thuế.
Để tránh trường hợp doanh nghiệp không được kiểm tra, thanh tra trong thời gian dài (5-10 năm hoặc lâu hơn), dẫn đến những rủi ro khi thanh tra mà phát hiện vi phạm bị truy thu nhiều thuế, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời hạn được miễn kiểm tra, thanh tra cho doanh nghiệp.
Nếu để quá lâu thì chứng từ, tài liệu tồn quá nhiều sẽ phải thuê kho lưu trữ gây tốn kém, thậm chí khiến chứng từ bị quá thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán...
… khó cho doanh nghiệp
Có ý kiến cho rằng, một số quy định tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang gây khó cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, liên quan đến những hành vi bị cấm trong quản lý thuế, theo VCCI, định nghĩa về “gây phiền hà, sách nhiễu” đối với người nộp thuế tại dự thảo Luật chưa rõ ràng, gây khó cho người nộp thuế khi thu thập bằng chứng về hành vi gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ thuế và báo với các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Liên quan đến căn cứ ấn định thuế, quy định tại dự thảo Luật cho thấy, một trong những căn cứ ấn định thuế là “so sánh số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, quy mô tại địa phương…”.
Tuy nhiên, có điểm bất hợp lý khi áp dụng căn cứ này đối với các doanh nghiệp mới thành lập, đó là lợi nhuận những năm hoạt động đầu tiên chưa thể cao bằng các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định.
Dự thảo Luật quy định so sánh thông tin của cơ sở kinh doanh ở địa phương khác có cùng mặt hàng, ngành nghề và quy mô tại địa phương, nhưng thực tế, đặc điểm mỗi địa phương là khác nhau do điều kiện kinh tế, nhu cầu thị trường khác nhau...
Nhiều cơ quan kiểm tra không giải thích căn cứ ấn định thuế, dẫn đến việc doanh nghiệp dù có tính theo phương pháp của cơ quan thuế vẫn không ra được đúng con số như cơ quan thuế ấn định.
Do đó, cần cân nhắc quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về những căn cứ này để bảo đảm tối đa lợi ích của người nộp thuế theo hướng việc so sánh phải bảo đảm tính hợp lý, khả thi.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan kiểm tra không giải thích căn cứ ấn định thuế, dẫn đến việc doanh nghiệp dù có tính theo phương pháp của cơ quan thuế vẫn không ra được đúng con số như cơ quan thuế ấn định.
Điều này dẫn đến tâm lý bức xúc của người nộp thuế. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quyền được giải thích căn cứ ấn định thuế vào dự thảo Luật.
Cũng tại dự thảo Luật, người nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền đề nghị miễn xử phạt trong trường hợp gặp thiên tai, hoả hoạn…
Thế nhưng, cơ quan quản lý thuế có chấp nhận hay không thì lại không quy định. Trong khi đây là quyền đương nhiên của cá nhân, tổ chức được quy định tại Điều 11 - Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Ban soạn thảo cần có quy định thống nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính.