Trong bối cảnh thị trường địa ốc ảm đạm và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, kể từ năm 2016, chính quyền Myanmar đã nới lỏng một số quy định tại thị trường bất động sản, tạo niềm hưng phấn ban đầu đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Cụ thể, tháng 1/2016, Myanmar cho phép người nước ngoài được sở hữu tới 40% số căn hộ condominium tại một dự án.
Khác với dạng nhà chung cư (apartment) - người ở chung cư không có quyền sở hữu, với dạng condominium, người ở cũng chính là chủ sở hữu căn hộ của mình, không những thế còn có chủ quyền đối với các tiện ích nội khu khác như thang máy, hàng lang, hồ bơi, công viên, sân chơi…
Thông thường, condominium chỉ các khu căn hộ khép kín biệt lập được xây dựng trên quy mô lớn, trong đó bao gồm đầy đủ các tiện ích công cộng, vui chơi giải trí trong khuôn viên…
Tuy nhiên, việc thiếu các quy định cụ thể như dự án nào được xếp hạng là condominium, người nước ngoài có được phép sở hữu các căn hộ đã được xây dựng từ trước khi quy định mới ra đời hay không đang khiến các doanh nghiệp bất động sản “đau đầu”. Theo nhà phát triển Yoma Strategic Holdings Ltd, hiện tại, thị trường chỉ có thể trông đợi giới chức Myanmar có động thái mới trong việc làm rõ các quy định.
“Chúng tôi trông đợi cuối năm nay việc cụ thể hóa các quy định sẽ được hoàn tất. Đây là một thử thách lớn đối với lĩnh vực này. Các thị trường tài chính Myanmar đã có diễn biến tích cực kể từ năm 2011 khi nền kinh tế mở cửa và dòng vốn nước ngoài chảy vào. Tuy nhiên, thị trường bất động sản dân cư lại rất trầm lắng trong suốt 18 tháng qua”, Cyrus Pun, giám đốc điều hành Yoma Strategic cho biết.
"Khi quy định mới được ban hành, thị trường nhận định việc cho phép người nước ngoài mua bất động sản sẽ tạo nên bước ngoặt mới, tuy nhiên, thực tế, nó ít có ảnh hưởng tới doanh số bán hàng trong trung hạn, không chỉ bởi sự mơ hồ, mà còn vì điều kiện hiện tại của thị trường bất động sản", Joshua De Las Alas, chiến lược gia tại Colliers International cho biết.
“Giá bán condominium tại Yangon (thành phố lớn nhất Myanmar) vẫn cao hơn nhiều so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Đầu tư vào đây khá rủi ro trong ngắn hạn”, De Las Alas cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, để lần lượt tháo gỡ các khó khăn cho thị trường, việc cần làm đầu tiên là hoàn thiện các văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện quy định cho phép người nước ngoài mua condominium tại Myanmar. Bởi thực tế, có rất nhiều khách hàng tiềm năng từ Thái Lan, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã thể hiện sự quan tâm tới sản phẩm này, nhưng đang e dè vì các vướng mắc pháp lý.
“Một số khách hàng Trung Quốc đã tới đây và sẵn sàng bỏ tiền mua các căn hộ, nhưng sau đó đổi ý. Điều này là dễ hiểu bởi ai cũng muốn sở hữu một căn nhà, thay vì bỏ tiền mua một số chứng từ chưa rõ ràng”, Cyrus Pun cho biết.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác là việc thiếu hụt các hỗ trợ tài chính dành cho thị trường bất động sản. Ngành công nghiệp dịch vụ tài chính của Myanmar đang trong tình trạng sơ khai và đa phần các khách hàng mua bất động sản đang phải sử dụng tiền mặt, thiếu đi sự hỗ trợ về các khoản vay.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com