Quy định công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, doanh nghiệp kiến nghị lên Thủ tướng

Quy định công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, doanh nghiệp kiến nghị lên Thủ tướng

Một bức thư kiến nghị từ đại diện cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đứng đơn là một số hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đề nghị bãi bỏ quy định công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Họ đã không thể kiên nhẫn hơn khi sau rất nhiều văn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, phản ánh quy định được xác định là bất cập, không phù hợp với luật định và cả thông lệ quốc tế nói trên của Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm vẫn tồn tại.

Họ càng lo khi chưa thấy những thay đổi đáng kể về vấn đề này tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã được Bộ Y tế trình Chính phủ.

Về cơ sở pháp lý, nội dung này không có trong Luật An toàn thực phẩm năm 2010 cũng như Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.

Như vậy, việc xuất hiện quy định này sẽ kéo theo các thủ tục hành chính liên quan rơi vào tình thế phi chuẩn mực, dẫn đến sự không minh bạch, phức tạp, rườm rà, kéo dài.

Các doanh nghiệp tính toán, nhiều khi họ phải mất tới 3-6 tháng để xin được Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Có nghĩa, doanh nghiệp phải chờ bằng đó thời gian mới được bán hàng ra thị trường - khoảng thời gian quá lâu trong bối cảnh kinh doanh hiện tại.

Nhiều doanh nghiệp khóc dở khi các đối tác không thể chờ đợi được, đã chuyển sang mua hàng của nhà cung cấp khác, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Phí tổn này không thể tính hết. Nhưng nếu tính phí cấp giấy này, thì trong 4 năm hiệu lực của Nghị định 38/2012/NĐ-CP, cộng đồng doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã tốn kém cả ngàn tỷ đồng (chưa kể phí phân tích mẫu). Và chưa thể ước lượng được sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp trong ngành không đủ sức vượt qua trở ngại trên, buộc phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, thậm chí có thể có tên trong danh sách các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hay giải thể.

Hiện tại, thị trường đã quen với sự gia tăng hay rút lui của các doanh nghiệp. Thậm chí, tỷ lệ  doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập trong 6 tháng đầu năm 2017 là 56,6% cũng không gây sốc như trước. Lý do là nhu cầu doanh nghiệp rút lui do năng lực cạnh tranh kém, do chuyển đổi kinh doanh, cơ cấu lại... đã được nhìn nhận là đúng quy luật.

Song sẽ bất thường khi những doanh nghiệp buộc phải ra đi do các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, sai lệch về bản chất quản lý nhà nước trong nền kinh tếthị trường.

Phải nói lại rằng, than phiền về quy định công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm không mới và không chỉ từ phía cộng đồng kinh doanh. Các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ từng kiến nghị điều chỉnh quy định này khi sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, trong Hội nghị đối thoại giữa Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và các bộ, ngành do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hồi tháng 5/2017, cũng đồng quan điểm trên. Các đề xuất cách thức kiểm soát khác có hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn cũng đã được bàn tới.

Vậy nhưng, đến giờ, yêu cầu làm đúng luật, theo tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ chung của thế giới mà doanh nghiệp đưa ra vẫn chưa có câu trả lời. Chính vì vậy, doanh nghiệp lại phải trông chờ vào Thủ tướng Chính phú.

Tin bài liên quan