Ngay sau khi Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội ban hành quy định, từ nay các dự án nhà cao tầng trên địa bàn TP. Hà Nội bắt buộc phải có tối thiểu là 3 tầng hầm, với mục đích tăng cường chỗ để xe cho người dân, hạn chế áp lực về chỗ để xe, nhiều ý kiến đã cho rằng, không nên quy định cứng nhắc tất cả các chung cư đều phải xây 3 tầng hầm.
Doanh nghiệp hoang mang
Lo lắng nhất hiện nay là các chủ đầu tư xây dựng nhà giá rẻ đang triển khai dự án. Nguyên nhân là nếu xây thêm tầng hầm sẽ chiếm khoản đầu tư rất lớn. Nếu áp dụng chính sách mới này, chắc chắn sẽ làm tăng chi phí đầu tư lên cao và làm giá bán căn hộ tăng thêm 10-20%. Thời gian đầu tư sẽ lâu hơn, thi công khó hơn, đội vốn lãi ngân hàng… sẽ là gánh nặng thực sự cho các chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest) cho rằng, mặc dù quy định này là cần thiết, nhưng không nên cứng nhắc khi bắt buộc dự án nào cũng phải có 3 tầng hầm, mà nên quy định về tỷ lệ chỗ đậu xe cho một dự án. “Theo dự tính, đến năm 2020, khoảng 75 - 80% dân ở chung cư có khả năng mua ô tô. Do đó, nên quy định chủ đầu tư phải đảm bảo được 80% chỗ đỗ ô tô cho cư dân thì hợp lý hơn, tránh trường hợp đánh đồng tất cả sẽ gây ra sự lãng phí không đáng có trong quá trình xây dựng, bởi dự án càng nhiều hầm thì chi phí xây dựng càng đội lên”, ông Hiệp nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Hải Đăng cũng nhận định: "Quy định về chủ trương là đúng, tuy nhiên Thành phố nên có hướng dẫn chi tiết và cần có khái niệm rộng hơn về diện tích đậu xe. Chỗ đậu xe trong nhu nhà cao tầng không nhất thiết phải là tầng hầm, mà có thể là tầng nổi, hoặc nếu dự án có diện tích rộng có thể xây dựng một bãi gửi xe riêng”.
Ông Vũ Thường Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thế hệ mới cho rằng, quy định này làm cho tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với các dự án bị chậm trễ và các tổ chức, doanh nghiệp phải bỏ công sức, tiền của, thời gian để chỉnh sửa hồ sơ.
“Mặt khác, dự án sẽ phải thay đổi về vốn đầu tư, vì để thi công thêm mỗi tầng hầm đòi hỏi số tiền rất lớn. Ngoài ra, còn phải kể đến việc thay đổi, chỉnh sửa các hợp đồng đã ký kết, những khối lượng công việc có liên quan đối với những nhà thầu thứ cấp. Những điều này sẽ khiến dự án đội vốn, tác động trực tiếp đến khách hàng mua nhà”, ông Hữu lo ngại.
Lựa dự án mà quy định
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi tới UBND TP. Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đề nghị xem xét lại quy định này.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA cho rằng, khu vực trung tâm với áp lực hạ tầng lớn thì dự án cao tầng phải có 3 tầng hầm là hợp lý, nhưng với một dự án chung cư nằm tận Sóc Sơn thì việc xây dựng 3 tầng hầm thực sự là lãng phí không cần thiết. Hay như những tòa nhà chỉ có 7 tầng (theo quy định từ 7 tầng đã được gọi là nhà cao tầng), không thể bắt doanh nghiệp xây một khu nhà 7 tầng nổi mà có tới tận 3 tầng hầm. Đây thực sự là điều vô lý và không khả thi. Ngoài ra, một dự án có đến 7-8 tòa nhà cao tầng, có tòa nhà nằm ở trục chính, có tòa nằm ở trục phụ. Nếu bắt tòa nào cũng phải xây dựng 3 tầng hầm thì không hợp lý.
“Quy định bắt doanh nghiệp phải xây dựng 3 tầng hầm tại tất cả những dự án nhà cao tầng sẽ làm chậm sự phát triển của thị trường bất động sản và làm đổ vỡ kế hoạch kinh doanh, sản xuất của hàng loạt doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay có rất nhiều dự án đã trải qua một thời gian dài với các khâu phê duyệt, thẩm định, dự toán... Tuy nhiên, khi chuẩn bị triển khai thì lại bị mắc quy định này. Dự án lại phải quay lại xin điều chỉnh quy hoạch và kéo theo đó là hàng loạt vấn đề về điều chỉnh tổng vốn đầu tư, giá bán dự án... Tất cả những khâu điều chỉnh này có thể làm chậm kế hoạch triển khai dự án lên 1-2 năm, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và gây ách tắc cho thị trường”, ông Nam nhận xét.