Thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán Mỹ nói riêng biến động dữ dội theo cả 2 hướng tăng và giảm.
Sau khi chỉ số S&P 500 rơi tự do khoảng 29% kể từ mức đỉnh gần nhất vào tháng 2, thị trường Mỹ đã hồi phục với tốc độ nhanh không kém, giúp giá trị thị trường gia tăng thêm 5.000 tỷ USD chỉ trong 1 tháng.
Trong bối cảnh này, các quỹ đầu tư, tổ chức quản lý tài sản không thể chần chừ đứng ngoài, buộc phải “xuống tiền” trong 2 tuần qua, nhưng cách thức rót vốn thể hiện rõ sự thiếu tự tin vào khả năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo đó, đa phần dòng vốn mới chảy vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế, công ty hàng tiêu dùng, trong khi các lĩnh vực khác phần nào bị “vứt bỏ”.
“Các nhà đầu tư nhảy xuống nước, nhưng luôn bám chặt lấy phao. Ngay cả khi đã quay lại thị trường, họ cũng đầu tư theo kiểu chỉ chăm chăm tự vệ. Ðiều này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc tâm lý bi quan đối với tăng trưởng kinh tế đang ở vị thế hàng đầu”, Jonathan Golub, chiến lược gia trưởng thị trường chứng khoán Mỹ tại Credit Suisse cho biết.
Theo khảo sát của Evercore ISI dành cho các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp và quỹ đầu cơ, tỷ lệ đầu tư vào các ngành công nghiệp nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế và các ngành có truyền thống an toàn đang ở mức thấp nhất kể từ khi các số liệu được ghi nhận vào năm 2004.
Cần nhấn mạnh rằng, việc ưa chuộng các cổ phiếu thuộc nhóm y tế, chăm sóc sức khỏe không chỉ bởi mối lo ngại liên quan tới đại dịch Covid-19, mà còn vì hầu hết các loại hình quỹ đầu tư, quỹ đầu cơ, quỹ ETF đều đang rót vốn vào lĩnh vực này nhằm “tự vệ” trong bối cảnh nền kinh tế đối diện cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ năm 1929 tới nay.
Từ đầu tháng 4 tới nay, nhà đầu tư đã góp hơn 5 tỷ USD vào các quỹ ETF tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mức tăng mạnh nhất trong ít nhất 7 năm qua và nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, theo số liệu của Bloomberg.
Trong khi đó, các quỹ ích lợi đã lên kế hoạch chi thêm 1 tỷ USD vào ngành y tế trong 2 tháng liên tiếp, điều lần đầu tiên diễn ra kể từ năm 2016.
Kể từ ngày 23/3 cho tới nay, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe trong chỉ số S&P 500 đã tăng 40%.
Các quỹ ETF theo dõi diến biến của giá vàng cũng tăng 60% trong cùng khoảng thời gian, trong khi giá vàng tăng lên mức cao nhất 7 năm qua.
Cổ phiếu bất động sản và hàng hóa thiết yếu tăng hơn 30%. Ðể so sánh, chỉ số S&P 500 tăng 25% trong thời gian này.
Theo Credit Suisse, tâm lý ưa chuộng sự an toàn này cũng xuất hiện tại lĩnh vực đầu tư định lượng, vốn sử dụng các thuật toán để phân tách cổ phiếu dựa trên khả năng tăng trưởng, tính bất ổn…
Trong khi đó, tại Goldman Sachs, trong giỏ đầu tư của hãng, số lượng các cổ phiếu với bảng cân đối tài chính lành mạnh so với các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính yếu hơn đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009.
“Tất cả các thành viên thị trường đều muốn chứng kiến chứng khoán leo dốc. Quả thực là chỉ số có đi lên, nhưng thực tế mọi người đều không muốn đặt chân sâu vào các lĩnh vực nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế. Vậy thì đó không phải là đà tăng thực chất”, Jonathan Golub nhận định.
Ở góc nhìn tích cực, Sameer Samana, chiến lược gia cấp cao thị trường toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute cho rằng, nhà đầu tư cần sắp xếp lại danh mục của mình và bắt đầu dấn thân với các lĩnh vực khác như năng lượng, nguyên vật liệu và công nghiệp.
“Thông thường, nền kinh tế giảm tốc vẫn có những mặt tích cực với chứng khoán, bởi lãi suất ở mức thấp và có nhiều gói nới lỏng từ chính phủ. Tuy các yếu tố cơ bản đóng vai trò quan trọng, nhưng thị trường chứng khoán cần tìm lại mình trong thời điểm này và bắt nhịp với những cơ hội tại nhiều lĩnh vực hơn”, Sameer Samana cho biết.