“Cơ sở hạ tầng là một cơ hội lớn và đang phát triển đối với chúng tôi”, Ang Eng Seng, Giám đốc đầu tư cơ sở hạ tầng của GIC cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Vào đầu tháng 7/2023, GIC cho biết họ đang đầu tư vào một dự án với Tập đoàn Genus Power & Infrastructures của Ấn Độ, nhằm phát triển các đồng hồ thông minh tự động đo và truyền tải mức sử dụng điện. GIC sẽ có 74% cổ phần, Genus nắm giữ phần còn lại.
Theo Genus, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD để lắp đặt 250 triệu đồng hồ thông minh vào năm 2025, nhằm thúc đẩy hiệu quả năng lượng khi nhu cầu tăng lên do phát triển kinh tế.
Theo Sovereign Wealth Fund Institute, tài sản của GIC ước tính vượt quá 700 tỷ USD. Lợi nhuận hàng năm danh nghĩa trong 5 năm của GIC tính tới tháng 3/2023 là 3,7%, mức thấp nhất kể từ năm 2016 do suy thoái kinh tế toàn cầu và giá cổ phiếu giảm.
GIC cũng đang xem xét cơ cấu tài sản và các chính sách đầu tư để cải thiện hiệu suất, tập trung vào cơ sở hạ tầng.
“Bây giờ chiến lược của chúng tôi tập trung vào các doanh nghiệp tạo ra dòng tiền ổn định, có thể dự đoán được và đôi khi liên quan đến lạm phát trong các chu kỳ kinh tế vĩ mô”, ông Ang Eng Seng cho biết.
Các khoản đầu tư liên quan đến cơ sở hạ tầng của GIC đã tăng lên từ 10 - 20 tỷ USD hàng năm trong những năm gần đây và các tài sản liên quan đã tăng gấp 5 lần trong 7 năm qua. Cơ sở hạ tầng này chủ yếu liên quan đến quá trình khử carbon, điện, viễn thông và số hóa, và GIC có kế hoạch mở rộng tỷ lệ nắm giữ trong tương lai.
Ngoài ra, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng nhắm vào nhiều loại tài sản bao gồm bất động sản, quỹ đầu tư và cổ phiếu chưa niêm yết. Bất động sản chiếm 13% tổng đầu tư của GIC cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, tăng 3% so với năm trước. Trái phiếu danh nghĩa và tiền mặt giảm 3% xuống 34%.
Mặc dù cơ sở hạ tầng có thể mang lại lợi nhuận ổn định trong trung và dài hạn nếu các kế hoạch tiến triển đều đặn, nhưng nó có rủi ro bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. GIC xem rủi ro của đầu tư cơ sở hạ tầng là rủi ro của sự kết hợp giữa cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. GIC đang điều chỉnh danh mục đầu tư để đạt được sự cân bằng.
Về khu vực, GIC đang chuyển vốn từ Trung Quốc sang các nền kinh tế mới nổi khác để giảm tác động của những thay đổi trong chuỗi cung ứng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung và suy thoái kinh tế của Trung Quốc.
Mỹ chiếm 38% danh mục đầu tư của GIC, kế đó là khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản đứng thứ hai khi chiếm 23% danh mục đầu tư của GIC cho năm kết thúc vào tháng 3/2023.
Theo Jeffrey Jaensubhakij, Giám đốc đầu tư của GIC, các khoản đầu tư vào châu Á của GIC đang chuyển từ Trung Quốc sang các nước như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Mặc dù nhu cầu chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Đông Nam Á của GIC đang gia tăng, nhưng cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động của nhà máy và phân phối ở những thị trường này đang không đáp ứng kịp.
Cơ hội đầu tư ở những khu vực đó "được thúc đẩy bởi việc các quốc gia tăng cường sử dụng vốn tư nhân để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng và bằng cách thúc đẩy nhu cầu cơ sở hạ tầng mới, chẳng hạn như số hóa nền kinh tế và truyền tải năng lượng", ông Ang cho biết.
Đối với Trung Quốc, trong ngắn hạn, "có thể mất một thời gian để các dòng chảy mới diễn ra trở lại", Giám đốc điều hành GIC, Lim Chow Kiat cho biết.
“Trung Quốc có một số công nghệ và công ty hàng đầu, đặc biệt là trong lĩnh vực pin và công nghệ xanh. Và trên thực tế, ngay cả trong lĩnh vực xe điện, họ cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy những cơ hội như vậy cho các khoản đầu tư trung và dài hạn vào nước này”, ông cho biết.
Ngoài ra, GIC cũng đang hoạt động ở Nhật Bản, với quốc gia này chiếm 6% danh mục đầu tư của GIC cho năm tài chính kết thúc vào tháng3/2023. Bất động sản và cổ phiếu của Nhật tương đối rẻ do đồng yên yếu và lãi suất thấp.