Quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Xê Út là nhà đầu tư có chủ quyền tích cực nhất thế giới trong năm 2023

Quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Xê Út là nhà đầu tư có chủ quyền tích cực nhất thế giới trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Xê Út đã nổi lên là nhà đầu tư có chủ quyền tích cực nhất thế giới vào năm ngoái, khi thúc đẩy hoạt động giao dịch ngay cả khi hầu hết các quỹ đầu tư quốc gia trên toàn cầu bao gồm GIC Pte và Temasek Holdings Pte đều cắt giảm đầu tư.

Theo công ty tư vấn nghiên cứu Global SWF, quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Xê Út (PIF) đã triển khai đầu tư 31,6 tỷ USD vào năm 2023, cao hơn mức 20,7 tỷ USD mà PIF đã đầu tư vào năm 2022. Trong khi đó, các quỹ đầu tư quốc gia trên toàn cầu đã triển khai 124,7 tỷ USD trong năm 2023, ít hơn khoảng 20% so với năm trước.

Sự sụt giảm quy mô đầu tư của các quỹ đầu tư quốc gia trên toàn cầu dẫn đầu bởi GIC, với lượng vốn triển khai giảm 46% xuống còn 19,9 tỷ USD và mất đi vị trí là quỹ đầu tư quốc gia tích cực nhất thế giới lần đầu tiên sau sáu năm. Temasek cũng giảm 53% khoản đầu tư mới xuống còn 6,3 tỷ USD trong bối cảnh thị trường không ổn định, khiến hai quỹ đầu tư quốc gia tại Singapore báo cáo lợi nhuận kém hiệu quả.

Global SWF cho biết, phần lớn sự sụt giảm của GIC liên quan đến hoạt động đầu tư vào các thị trường phát triển. Các quỹ đầu tư quốc gia của của Singapore tiếp tục hoạt động tích cực tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, với các thương vụ bao gồm liên doanh trị giá 1,4 tỷ USD của GIC với Brookfield India REIT và việc tăng cổ phần của Temasek tại Manipal Health Enterprises.

Global SWF cho biết: “Các nhà đầu tư Singapore đang thận trọng hơn và chúng tôi đã thấy điều đó được phản ánh qua các con số. Các quỹ đầu tư quốc gia ở vùng Vịnh đã tăng cường sự thống trị của họ đối với hoạt động giao dịch toàn cầu, gây bất lợi cho các quỹ của Singapore và Canada, và hiện các quỹ đầu tư quốc gia ở vùng Vịnh chiếm gần 40% tổng giá trị đầu tư được triển khai bởi các quỹ đầu tư quốc gia”.

Nhìn chung, các quỹ đầu tư quốc gia do các chính phủ giàu dầu mỏ của Abu Dhabi, Ả Rập Xê Út và Qatar kiểm soát đã chiếm 5 vị trí trong danh sách 10 quỹ hoạt động tích cực nhất năm ngoái.

Theo báo cáo do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đưa ra vào tháng 12, xu hướng này có thể tiếp tục. Chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain dự kiến sẽ kiểm soát tổng tài sản nước ngoài trị giá khoảng 4.400 tỷ USD vào cuối năm 2024, 2/3 trong số đó có thể sẽ được quản lý bởi các quỹ đầu tư quốc gia.

Vùng Vịnh này là nơi tập trung nhiều quỹ đầu tư quốc gia, vốn đã trở thành nguồn tiền mặt ngày càng quan trọng cho các giao dịch quốc tế sau khi giá dầu tăng vọt vào năm 2022 khiến hầu hết ngân sách của các chính phủ vùng Vịnh đều thặng dư.

PIF đứng sau các giao dịch được chính phủ hậu thuẫn lớn nhất trong năm, trực tiếp hoặc thông qua các công ty con. Các thương vụ lớn bao gồm việc mua lại công ty trò chơi Scopley của Mỹ trị giá gần 5 tỷ USD thông qua Savvy Games Group và thương vụ mua lại hoạt động kinh doanh cho thuê hàng không của Standard Chartered thông qua Avilease trị giá 3,6 tỷ USD.

PIF cũng đứng đằng sau các thỏa thuận quan trọng trong nước nhằm giúp hỗ trợ đa dạng hóa nền kinh tế theo kế hoạch của Thái tử Mohammed Bin Salman, đồng thời là chủ tịch PIF.

Vào tháng 9, PIF đã mua lại mảng kinh doanh thép của Sabic Basic Industries Corp. trong một thương vụ trị giá 3,3 tỷ USD, giúp đẩy đầu tư trong nước của PIF lên khoảng 42% tổng tổng vốn triển khai vào năm 2023.

Global SWF cho biết: “Sự đa dạng của các giao dịch cho thấy băng thông và phạm vi tiếp cận vô song của PIF và các công ty con của quỹ”.

Tin bài liên quan