Hiệu suất vượt trội
Thị trường chứng khoán năm 2024 có 4 tháng đầu ghi nhận diễn biến tích cực, nhưng sau đó biến động mạnh trong xu hướng đi ngang, khiến nhiều nhà đầu tư ghi nhận hiệu quả đầu tư ở mức thấp. Tuy nhiên, nhiều quỹ đầu tư có hiệu suất vượt trội so với thị trường chung.
Tính đến 26/12/2024, Quỹ VMEEF dẫn đầu với hiệu suất hơn 36%; Quỹ SSI-SCA và VLGF tăng trưởng lần lượt 34,4% và 28,8%, vượt xa mức tăng 11 - 12% của VN-Index. Không ít quỹ trái phiếu cũng có mức lợi suất đầu tư hấp dẫn so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.
Bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán, VinaCapital chia sẻ, từ đầu năm 2024 đến ngày 23/12/2024, các quỹ mở cổ phiếu do Công ty quản lý đạt tỷ suất lợi nhuận từ 21 - 34%, trong khi VN-Index tăng 11,8%. Việc chọn lọc kỹ càng doanh nghiệp để đầu tư cùng với việc xây dựng một danh mục tối ưu giữa lợi nhuận và rủi ro chính là yếu tố then chốt để các quỹ đạt được hiệu suất cao.
“Chúng tôi luôn có chiến lược đầu tư phù hợp với các bối cảnh khác nhau của thị trường, tuân thủ chặt chẽ quy trình đầu tư cũng như áp dụng tư duy quản trị rủi ro xuyên suốt”, bà Hoài Thu nói.
Các quyết định đầu tư được xây dựng với tầm nhìn dài hạn và dựa trên giá trị căn bản của doanh nghiệp, bởi đội ngũ phân tích và đầu tư dày dạn kinh nghiệm, khả năng dự báo tốt, sâu sát với tình hình vĩ mô và từng doanh nghiệp trong danh sách theo dõi đầu tư.
Xu hướng đầu tư thông qua các tổ chức quản lý quỹ đang dần rõ nét hơn, một dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường tài chính. Điều này được minh chứng qua hiệu suất đầu tư thực tế, khi nhiều quỹ đạt mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) cao.
Quỹ VLGF của SSIAM hiện đạt hiệu suất 28,6% so với đầu năm 2024, nhờ chiến lược đầu tư tập trung vào các cổ phiếu bluechip có tiềm năng tăng trưởng dài hạn như FPT, ACB, MWG, MBB, PNJ, VCB.
Theo ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư, SSIAM, sự thành công của các quỹ đầu tư là nhờ lợi thế cốt lõi của tổ chức quản lý quỹ.
Thứ nhất, về chuyên môn hóa và kinh nghiệm, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp sở hữu đội ngũ chuyên gia với kiến thức sâu rộng về thị trường, giúp tối ưu hóa danh mục đầu tư. Họ có khả năng tiếp cận thông tin thị trường và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác thông qua mạng lưới quan hệ rộng, đồng thời có cơ hội tham gia các thương vụ thoái vốn, phát hành riêng lẻ mà không phổ biến với nhà đầu tư cá nhân.
Thứ hai, về quản lý rủi ro chuyên nghiệp, các quỹ xây dựng danh mục đa dạng và áp dụng các công cụ quản trị rủi ro hiệu quả, giúp bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trong mọi điều kiện thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như giai đoạn vừa qua.
Về quy mô ngành quỹ, theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng tài sản do các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 5,7% GDP, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (20,4%) và Malaysia (51,5%), cho thấy dư địa tăng trưởng của ngành quản lý quỹ Việt Nam còn rất lớn. Xu hướng này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố: nhận thức của nhà đầu tư ngày càng cao về lợi ích của đầu tư qua quỹ; khung pháp lý được cải thiện liên tục; các chính sách thuế và ưu đãi đang hướng đến khuyến khích đầu tư dài hạn; chi phí giao dịch thấp hơn nhờ quy mô lớn của các quỹ.
Ông Bá Huy tin rằng, xu hướng phát triển của ngành quỹ là tất yếu trong dài hạn, đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việc tăng cường giáo dục tài chính và minh bạch thông tin sẽ hỗ trợ xu hướng này, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định thông thái và tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn.
Quan điểm của quỹ cho năm 2025
Bà Nguyễn Hoài Thu cho biết, VinaCapital dự báo GDP của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2025, với động lực chủ yếu đến từ các yếu tố trong nước như tiêu dùng nội địa, đầu tư cơ sở hạ tầng và sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Với thị trường chứng khoán, VinaCapital dự báo, lợi nhuận cốt lõi (loại trừ các khoản thu nhập bất thường) của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng trưởng khoảng 20% trong năm 2025. Theo đó, định giá P/E của VN-Index sẽ giảm về mức 10,5 lần. Đây là mức định giá rẻ, hấp dẫn với các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Russell xem xét đánh giá để nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Tương tự, ông Nguyễn Bá Huy duy trì quan điểm tích cực về thị trường chứng khoán với mục tiêu VN-Index dao động trong khoảng 1.300 - 1.350 điểm vào cuối năm 2024 và tiềm năng tăng trưởng 20% trong năm 2025. Dự báo này dựa trên 3 yếu tố chính: tỷ giá được kỳ vọng sẽ ổn định hơn so với năm 2024, triển vọng tăng trưởng về mặt lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao hơn (20%), với chất lượng tốt hơn và câu chuyện nâng hạng thị trường.
Đặc biệt, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC về giải pháp không cần ký quỹ đủ tiền trước khi giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được xem là bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu nâng hạng theo các tiêu chí của FTSE Russell. Với vốn hóa thị trường chứng khoán ước đạt 44 tỷ USD, kỳ vọng dòng vốn vào thị trường có thể đạt 1,7 tỷ USD ngay sau khi được nâng hạng, dự kiến vào tháng 9/2025.
Về triển vọng các ngành năm 2025, ông Bá Huy đánh giá cao 4 một số nhóm ngành sau.
Thứ nhất, ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 20 - 25%. Cơ sở dự báo là chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ thúc đẩy niềm tin người tiêu dùng và nhu cầu tín dụng. Biên lãi ròng (NIM) dự kiến sẽ cải thiện khi các gói cho vay hỗ trợ lãi suất thấp dần kết thúc, tỷ lệ nợ xấu giảm. Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14 - 15% nhờ nhu cầu vốn phục hồi, nhất là cho vay bán lẻ. Thu nhập phí và thu hồi nợ xấu dự kiến tăng trưởng hai con số nhờ sự phục hồi của kênh Bancassurance và thị trường bất động sản.
Nhìn dài hạn hơn, ngân hàng sẽ là nhóm được hưởng lợi chính từ tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của DBS, Việt Nam dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 6,6% trong thập kỷ tới nhờ dân số trẻ, dòng vốn FDI mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang được cải thiện nhanh chóng. Với tỷ lệ thâm nhập dịch vụ ngân hàng còn thấp so với khu vực, ngành này còn nhiều dư địa tăng trưởng trong trung và dài hạn. Các ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, dự trữ vốn mạnh và chiến lược thu hút khách hàng hiệu quả được kỳ vọng sẽ duy trì ROE từ 18 - 20% trong 5 năm tới.
Thứ hai, ngành công nghệ thông tin được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số và đầu tư vào công nghệ cao. Đặc biệt, chiến lược phát triển ngành bán dẫn quốc gia với mục tiêu doanh thu trên 25 tỷ USD vào năm 2025 sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành. Các doanh nghiệp công nghệ dẫn đầu thị trường với nền tảng công nghệ vững chắc và khả năng thích ứng nhanh sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt. Dự báo, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp năm 2025 là 22%, cao hơn mức tăng trưởng ước tính 20% năm 2024.
Thứ ba, nhóm bất động sản dân cư đang có dấu hiệu phục hồi, nhất là phân khúc căn hộ, kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 tăng trưởng gần 14% và tăng tốc lên hơn 20% vào năm 2025. Các động lực chính bao gồm Luật Đất đai mới, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp, kinh tế chung tăng trưởng cao. Triển vọng tăng trưởng của ngành trong dài hạn được hỗ trợ bởi quá trình đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu gia tăng, cơ sở hạ tầng phát triển. Một số doanh nghiệp đáng quan tâm là KDH, NLG.
Nhóm bất động sản công nghiệp cũng hứa hẹn tăng trưởng cao khi được hưởng lợi từ sự chuyển dịch sản xuất đến Việt Nam và chiến lược “Trung Quốc +1” của nhiều công ty đa quốc gia. Dự báo, tăng trưởng lợi nhuận âm 3% trong nửa cuối năm 2024 của các doanh nghiệp trong ngành sẽ phục hồi mạnh mẽ lên khoảng 30% trong năm 2025. Các chất xúc tác chính bao gồm các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động, dòng vốn FDI tiếp tục tăng và sự hỗ trợ của Chính phủ cho các ngành công nghệ cao.
Thứ tư, hàng tiêu dùng không thiết yếu dự kiến đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 20% trong năm 2025, sau khi ước đạt mức tăng 60% năm 2024, nhờ sự phục hồi của nhu cầu. Câu chuyện tăng trưởng dài hạn là tầng lớp trung lưu đang mở rộng, quá trình đô thị hóa liên tục diễn ra và xu hướng chuyển dịch từ kênh thương mại truyền thống sang hiện đại. Hưởng lợi từ xu hướng này là MWG, PNJ...