Top 10 có hiệu suất đầu tư gấp 2 - 3 lần thị trường
Thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2024 chia làm 2 giai đoạn chính, gồm tăng tốc (1/1 - 29/2) với đà đi lên trọn vẹn và tích lũy (1/3 - 28/6) khi các biến số trái chiều hiện diện thường xuyên hơn. Trải qua nhịp điều chỉnh, chỉ số VN-Index tăng 10,2% trong nửa đầu năm, đạt 1.245,32 điểm.
Trong giai đoạn này, đa phần các quỹ đầu tư đã chứng minh được “sức bền” khi có hiệu suất đầu tư vượt trội so với chỉ số thị trường chung, một số quỹ mở đầu tư cổ phiếu có hiệu suất gấp 3 lần chỉ số.
“Quán quân” tăng trưởng nửa đầu năm 2024 là Quỹ đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF), với mức tăng 31,06% - gấp 3 lần mức tăng của VN-Index. Con số này tuy rất ấn tượng, nhưng có thể chưa phản ánh chính xác trong tương quan so sánh với các quỹ đầu tư khác, bởi VMEEF được thành lập vào tháng 5/2023, hiệu suất đầu tư tính tới cuối năm 2023 không chênh lệch nhiều so với VN-Index (12,5% so với 12,2%). Theo đó, quỹ này chưa trải qua các đợt thị trường điều chỉnh mạnh trong giai đoạn trước.
Xếp thứ hai là Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSICA) có hiệu suất hơn 27%. Tiếp theo cũng là một quỹ của SSI - Quỹ đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF).
Các quỹ khác có hiệu suất đầu tư tích cực trong nửa đầu năm 2024 bao gồm nhóm quỹ của VinaCapital, VBCF, Dragon Capital…
Mỗi quỹ đầu tư đều có chiến lược và tiêu chí lựa chọn cổ phiếu khác nhau, nhưng các quỹ ghi nhận hiệu suất đầu tư tích cực có điểm chung là tập trung vào nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, có nền tảng tốt và tiềm năng tăng trưởng. Trong bối cảnh hàng hoá trên thị trường chứng khoán chưa thực sự đa dạng, danh mục các khoản đầu tư lớn nhất của các quỹ đầu tư đa phần là một số cổ phiếu quen thuộc.
Trong đó, FPT là mã cổ phiếu góp mặt vào Top 5 khoản đầu tư của ít nhất 13 quỹ mở có hiệu suất cao trên thị trường. Cụ thể, FPT là khoản đầu tư lớn nhất, chiếm tỷ trọng 17,1% trong danh mục của SSICA, chiếm tỷ trọng 14,54% trong danh mục của VLGF, chiếm tỷ trọng 13,18% trong danh mục của Quỹ đầu tư chứng khoán năng động (DCDS), chiếm tỷ trọng 15,8% trong danh mục của Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Mire Asset Việt Nam (MAGEF), chiếm tỷ trọng 16,52% trong danh mục của Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF), chiếm tỷ trọng 12,99% trong danh mục của Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF), chiếm tỷ trọng 15,29% trong danh mục của Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife (MAFEQI).
Từ đầu năm 2024 tới nay, cổ phiếu FPT không ngừng gây chú ý với thị trường khi miệt mài đi lên và có lần thứ 34 vượt đỉnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/7, thị giá FPT ở mức 133.800 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 60% so với cuối năm 2023; giá trị vốn hóa theo đó đạt gần 200.000 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong danh sách các công ty niêm yết giá trị nhất Việt Nam. Việc nắm giữ cổ phiếu FPT với tỷ trọng lớn có đóng góp quan trọng cho thành tích của các quỹ đầu tư trong nửa đầu năm nay.
Các cổ phiếu khác nằm tốp khoản đầu tư lớn nhất của các quỹ đầu tư đa phần cũng trùng lặp như cổ phiếu MWG đại diện nhóm bán lẻ - tiêu dùng; cổ phiếu ACB, MBB, CTG - đại diện nhóm ngân hàng; cổ phiếu HPG đại diện nhóm sản xuất - thép. Các cổ phiếu này cũng đã có mức tăng giá mạnh trong nửa đầu năm 2024.
Góc nhìn trái chiều nửa cuối năm
Nhìn về nửa cuối năm 2024, đa phần các quỹ đầu tư duy trì đánh giá tích cực. Theo báo cáo mới nhất của DCDS, Quỹ vẫn lạc quan về triển vọng các ngành bán lẻ, vật liệu, ngân hàng..., với mức tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng tốt trong năm nay. Bên cạnh đó, Quỹ sẽ chủ động cân bằng lại danh mục theo diễn biến của thị trường, xem xét các cơ hội đầu tư trong ngành bất động sản với kỳ vọng về sự phục hồi mạnh hơn sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, hay các cổ phiếu ngành công nghiệp do tiếp tục hưởng lợi từ sự khởi sắc của thương mại đầu tư quốc tế và các khoản đầu tư FDI đang được thúc đẩy.
Với SSI-SCA, quỹ này chia sẻ: “Nhìn chung, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam, dựa trên hoạt động kinh tế mạnh mẽ và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết”.
Trước đó, ông Nguyễn Bá Huy, CFA, Giám đốc Đầu tư SSIAM đánh giá: “Các yếu tố quan trọng nhất với thị trường chứng khoán là lãi suất ở mức thấp, vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi. Đây là môi trường lý tưởng với thị trường chứng khoán và đây sẽ là kênh đi đầu, mang lại hiệu quả nhanh hơn cho nhà đầu tư so với chốt lời bất động sản. Góc nhìn của tôi về thị trường là tích cực”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết, vấn đề quan trọng nhất là lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Chúng tôi kỳ vọng, đà hồi phục lợi nhuận doanh nghiệp sẽ duy trì đến hết năm 2024 và áp lực về tỷ giá dịu bớt vào quý III và đầu quý IV. Theo đó, đây sẽ là giai đoạn thuận lợi cho chứng khoán từ nay tới cuối năm”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 15,8 lần, tiệm cận mức P/E trung bình 3 năm là 16,3 lần. Do đó, trong bối cảnh khối ngoại duy trì động thái bán ròng, một số công ty quản lý quỹ có góc nhìn kém lạc quan hơn.
SGI Capital cho rằng, dữ liệu kinh tế quý II/2024 tiếp tục cho thấy nền kinh tế hồi phục ở nhiều lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng với nền so sánh cùng kỳ thấp, nhưng các động lực tăng trưởng chính vẫn yếu như đầu tư công tăng chậm, thị trường bất động sản thanh khoản thấp, tín dụng ngân hàng tăng trưởng khó khăn.
“Trong báo cáo tháng 3/2024, chúng tôi có đề cập, thanh khoản thị trường chứng khoán đang đi qua vùng cao nhất khi nền lãi suất chạm đáy đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư mới. Thanh khoản giảm mạnh gần đây là chỉ báo về dòng tiền tham gia trong thị trường đang suy yếu”, SGI Capital lưu ý.
Trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 6 tỷ USD để bình ổn tỷ giá và duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp. Tuy vậy, lãi suất còn chịu áp lực từ chỉ số lạm phát đang ở vùng cao, sát với mục tiêu cả năm.
Nhìn sang các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc có mức lạm phát thấp hơn nhiều so với lãi suất chính sách, tạo điều kiện hạ lãi suất nếu cần kích thích kinh tế.
Mặt khác, chênh lệch ngày một lớn giữa huy động và tín dụng toàn hệ thống đang khiến hệ số LDR (dư tín dụng trên số vốn huy động) của ngành ngân hàng trở nên căng thẳng hơn. Áp lực tăng lãi suất huy động có thể xảy ra khi tín dụng tăng tốc. Cộng với đà tăng của nợ xấu, thanh khoản chung của hệ thống ngân hàng có thể sẽ không dồi dào về cuối năm.
Báo cáo mới đây của FiinRatings về thị trường trái phiếu cho thấy, áp lực tài chính của nhiều nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ nợ xấu cao có thể tiếp diễn trong năm 2024 và 2025, tập trung vào nhóm bất động sản (42,5%) và năng lượng (42,7%). Nền tảng lãi suất thấp chỉ mới tạo ra hiệu ứng kích thích tiền đầu tư, còn các doanh nghiệp khó khăn đang cần tái cơ cấu chưa được hưởng lợi nhiều, vẫn đối mặt rủi ro thanh khoản cục bộ.
Ngoài ra, rủi ro cần chú ý là dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán đã tăng mạnh, trong đó có các khoản vay từ cổ đông lớn và chủ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn dòng tiền, không còn khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Liên quan tới dòng tiền, khối ngoại liên tục bán ròng (hơn 52.000 kể từ đầu năm 2024 đến nay), cổ đông nội bộ và cổ đông dài hạn tại không ít doanh nghiệp bán ra cổ phiếu khi giá tăng, các đợt phát hành tăng vốn tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thanh khoản thị trường giảm, có những cổ phiếu trước đây kín “room” ngoại và từng được giao dịch thỏa thuận ở giá “premium” (cộng thêm so với thị giá giao dịch khớp lệnh trên sàn) nay đã hở “room” nhiều hơn.
“Nhìn về tổng thể, ngoại trừ nhóm ngân hàng đang có định giá dưới trung bình, phần lớn các nhóm ngành khác, giá cổ phiếu đã được đưa lên vùng định giá cao nhiều năm, phản ánh kỳ vọng lạc quan và chỉ phù hợp với sự phục hồi mang tính đột biến ở nửa cuối năm 2024 và 2025. Với những hạn chế hiện hữu trong nước và khả năng suy thoái toàn cầu đang tăng lên, cơ hội đầu tư tốt trở nên khan hiếm, trong khi rủi ro gia tăng”, SGI Capital nhìn nhận và đưa ra khuyến nghị, “cần kiên nhẫn và thận trọng hơn với thị trường thời gian tới”.