Quỹ đầu tư giải thể, chật vật giải quyết tài sản xấu

Quỹ đầu tư giải thể, chật vật giải quyết tài sản xấu

(ĐTCK) Chặng đường gian nan giải quyết các “tài sản xấu” của các định chế tài chính đầu tư chuyên nghiệp cho thấy, áp lực thoái vốn sẽ không quá lớn.

Trong bức thư ngỏ gửi các cổ đông vào đầu năm này, Chủ tịch Indochina Capital Vietnam (ICV), ông Gordon Lawon cho biết, mặc dù quyết định đóng quỹ trước thời hạn vào ngày 3/9/2009, nhưng tới cuối năm 2011, việc phân chia tài sản cho các cổ đông vẫn chưa thể hoàn tất… Các quỹ nội cũng đang đối mặt với khó khăn khi giải thể.

ICV, 2 năm chưa thanh lý xong tài sản

Vào cuối năm 2006, đầu năm 2007, ICV đã thành công ngoài dự kiến khi huy động được 500 triệu USD để đầu tư vào TTCK Việt Nam . Quỹ đã tham gia các đợt IPO của Vietcombank, Bảo Việt… Dưới áp lực của các NĐT góp vốn, ICV cũng không tránh khỏi cảnh “cưỡi ngựa xem hoa” khi đầu tư vào những cổ phiếu mà bây giờ nhìn lại, các định chế tài chính sẽ buộc phải suy nghĩ thật lâu mới dám “xuống tiền” như: HAP, NAV, VHG, DQC…

Sau một số đợt trồi sụt của TTCK trong năm 2007, đầu năm 2008, TTCK Việt Nam giảm mạnh, khiến giá trị đầu tư 500 triệu USD ban đầu của ICV đã có lúc bay hơi nhanh chóng tới gần 50%. ICV liền chuyển sang trạng thái phòng thủ với việc gia tăng tỷ lệ tiền mặt. Tuy nhiên, động thái này khiến ICV được xem là trở thành mục tiêu hấp dẫn để tấn công của các NĐT “kền kền”. Không trụ vững, ICV thông qua quyết định đóng quỹ trước thời hạn vào tháng 9/2009. Một tháng sau đó, ICV phân phối 205 triệu USD tiền mặt cho các NĐT góp vốn. Cuối năm 2009, tổng cộng IVC đã phân chia tới 231,3 triệu USD tiền mặt.

Quỹ đầu tư giải thể, chật vật giải quyết tài sản xấu ảnh 1

Kinh tế suy giảm, mọi nhà đầu tư, trong đó có các quỹ đầu tư, đều có tài sản xấu

Với các cổ phiếu niêm yết, dù sao thì ICV cũng có thể tìm được người mua để chuyển hóa danh mục đầu tư thành tiền mặt. Các cổ phiếu OTC mới thật sự nan giải. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu càn quét qua mọi ngõ ngách, làm tê liệt ngành công nghiệp vận chuyển quốc tế, các công ty có tham vọng phát triển đa ngành.

Ông Gordon Lawon cho biết, hơn hai năm sau khi quyết định giải thể, đến cuối năm 2011, ICV vẫn còn 3 khoản đầu tư vào CTCP Thời trang Việt - Vietfashion, CTCP Vận tải quốc tế ITC và CTCP Mai Linh chưa thể thanh lý. Cả ba công ty này đều kinh doanh thua lỗ và cổ phiếu không có thanh khoản. Ước tính, giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi chứng chỉ quỹ của ICV cuối năm 2011 chỉ đạt 1,28 USD, giảm 70% so với mức 4,21 USD vào cuối năm 2010. Lý do của sự sụt giảm NAV này xuất phát từ sự giảm giá trị trên diện rộng của các khoản vốn góp, khi mà hoạt động của các công ty mà ICV đầu tư rơi vào tình trạng suy yếu. Cổ phần của ICV tại ITC hơn 2 năm không nhận được sự quan tâm nào từ phía người mua. Còn cổ phần tại Vietfashion - công ty đang sở hữu thương hiệu Ninomax, thì 30 tháng sau khi quyết định đóng quỹ trước thời hạn, tới tận tháng 4/2012, ICV mới chuyển nhượng cổ phần thành công cho một NĐT cá nhân Việt Nam.

 

Quỹ nội phải chia tài sản cho NĐT

Làn sóng quỹ đầu tư, trong đó có ICV, hoạt động mạnh mẽ tại TTCK Việt Nam và lên tới đỉnh vào cuối năm 2006, đầu năm 2007. Rủng rỉnh tiền bạc và dưới áp lực của các NĐT góp vốn là phải giải ngân thật nhanh vào TTCK Việt Nam thời kỳ đó, khiến không phải nhà quản lý quỹ nào cũng giữ được sự tỉnh táo. Sau này, khi TTCK sụt giảm, thị trường OTC đóng băng, nhiều khoản đầu tư liên tiếp trở thành tài sản xấu. Hiện nay, một số quỹ sắp hết hạn hoạt động hay đã giải thể trước thời hạn đang phải vật lộn giải quyết với các tài sản thanh khoản kém.

Được thành lập năm 2004, Vietfund (VFM) là công ty quản lý quỹ có thâm niên nhất ở Việt Nam . Ngoài các quỹ đại chúng niêm yết, vào năm 2006, VFM gọi vốn thành lập Quỹ thành viên đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VFMVF2). Với quy mô vốn 400 tỷ đồng khi thành lập, cùng với sự bùng nổ của TTCK, VFMVF2 Quỹ đã tăng quy mô vốn lên gần 964 tỷ đồng vào 8/2007. Năm ngoái, NĐT góp vốn vào Quỹ đã đạt được sự đồng thuận về việc giải thể trước thời hạn. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một lãnh đạo VFM, đến nay, VFMVF2 vẫn chưa thanh lý được hết tài sản. Giải pháp sắp tới có thể là phân chia danh mục cổ phiếu cho các thành viên góp vốn.

Tương tự, còn hai tuần nữa, Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt sẽ đóng quỹ. Danh mục tài sản của Quỹ hiện tại gần 90% là tiền mặt và 10% là các cổ phiếu OTC kém thanh khoản. Đại diện Quỹ chia sẻ, số cổ phiếu OTC này không tìm được người mua. Vì vậy, trong cuộc họp Đại hội NĐT đầu năm nay, Quỹ đã đạt được sự đồng thuận phân chia các cổ phiếu OTC cho NĐT theo tỷ lệ góp vốn ban đầu.

Chặng đường giải thể Quỹ đầu tư Việt Long còn gian nan hơn. Mặc dù thời hạn đóng quỹ là tháng 9/2012, nhưng hiện tại Quỹ vẫn đang nỗ lực thoái vốn tại một số khoản đầu tư như cổ phần tại CTCK Rồng Việt (VDS), dù VDS là cổ phiếu niêm yết.

Mới đây, CTCP Cao su Hòa Bình đã nhận lại phần vốn góp của mình tại Quỹ Vietnam Tiger Fund, trong đó có cả những cổ phần mà hiện nay không có thanh khoản như cổ phần của MB Land.

Chặng đường gian nan giải quyết các “tài sản xấu” của các định chế tài chính đầu tư chuyên nghiệp cho thấy, áp lực thoái vốn của quỹ đầu tư khi kết thúc thời hạn hoạt động sẽ không quá lớn, nếu tài sản phân phối được cho các NĐT góp vốn. Tuy nhiên, tình trạng thanh khoản thất thường của TTCK Việt Nam khiến giới đầu tư quốc tế “vào dễ, ra khó” có thể là một yếu tố khiến các định chế tài chính tương lai buộc phải cân nhắc kỹ càng trước khi rót vốn đầu tư vào Việt Nam.