Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quỹ đầu tư đang cố gắng cầm cự

(ĐTCK-online) Hoạt động của các quỹ đầu tư có thể sẽ chuyển hướng hoặc rơi vào bế tắc nếu môi trường đầu tư không cho thấy tín hiệu sáng sủa so với bức tranh hiện tại.

Khó đủ đường

Không phải lần đầu tiên đối diện với khó khăn, nhưng với đa số quỹ đầu tư, 6 tháng đầu năm 2011 vẫn là giai đoạn gian nan nhất.

Cùng một lúc, các quỹ đầu tư phải đương đầu với nhiều áp lực. Đó là tình trạng NAV (giá trị tài sản ròng) của các quỹ sụt giảm mạnh. Đơn cử, trong tháng 5/2011, NAV của 2 quỹ lớn nhất tại Dragon Capital là VEIL, VGF giảm tới 13,4% và 14,2%. Tính chung, NAV của các quỹ do Dragon Capital quản lý gồm VEIL, VGF, VDF, VDeF, VDeF, VPF và VRI chỉ còn 623 triệu USD, giảm 97,8 triệu USD so với cuối tháng trước và giảm 123 triệu USD so với cuối năm 2010.

Báo cáo hoạt động đầu tư tháng 5 của Vina Capital cũng chỉ ra, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đang hoạt động tại Việt Nam gồm VOF và VNI là hơn 1,638 tỷ USD, giảm 16 triệu USD so với cuối tháng trước

Ở những quỹ đại chúng được niêm yết như VFMVF1, VFMVF4 do CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VietFund) quản lý, số phận cũng không nhiều khác biệt khi NAV của 2 quỹ này tại ngày 30/6/2011 giảm trên 20% so với thời điểm cuối năm ngoái.

Điều khiến các nhà quản lý quỹ đau đầu hơn là giá chứng chỉ quỹ (CCQ) của các quỹ thường chịu một tỷ lệ chiết khấu lớn so với NAV. Tại ngày 30/6/2011, trong khi NAV của VFMVF1 là 16.484 đồng/CCQ thì giá VFMVF1 trên thị trường chỉ giao dịch ở mức 9.200 đồng/CCQ, chịu chiết khấu tới 44%. Đáng nói, mức chiết khấu này cao hơn cả biến động VN-Index.

Tuy nhiên, những khó khăn kể trên không mới và các nhà quản lý quỹ ít nhiều đều có kinh nghiệm ứng phó. Cái khó nhất với các nhà quản lý quỹ là định hướng con đường tiếp theo. Kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn như lãi suất, tỉ giá, lạm phát vẫn ở mức cao.  Trong khi đó, tiếng nói từ quỹ đầu tư và các tiếng nói khác hỗ trợ cho các quỹ đầu tư lại không  đủ mạnh mẽ để có thể góp phần thay đổi cục diện hiện tại của TTCK, cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Các quỹ đầu tư, nhất là những quỹ cần huy động vốn ngoại, đang rất trông đợi nợ nần của Vinashin sớm có hướng giải quyết. Vì sự bê bối tại Vinashin mà nhiều quỹ đầu tư cho biết, họ không dám, cũng như không thể tiến hành các cuộc kêu gọi vốn đầu tư mới. Giới đầu tư quốc tế có quyền thắc mắc cũng như e dè khi cục nợ 60 triệu USD trong tổng nợ 600 triệu USD mà Vinashin vay qua trái phiếu được Credit Suisse dàn xếp hồi 2007 đã đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng vẫn chưa được thanh toán.. "Nếu có ai đó đủ thẩm quyền lên tiếng về hướng trả nợ ở Vinashin cũng như khẳng định môi trường đầu tư Việt Nam vẫn triển vọng thì con đường tìm vốn mới đầu tư vào Việt Nam của chúng tôi sẽ bớt chông gai biết bao", một đại diện quỹ đầu tư nước ngoài nói.

Đối với các quỹ đầu tư, vấn đề NAV giảm hay chiết khấu giữa thị giá và NAV chênh lệch thực ra không đáng ngại, vì các quỹ vẫn có thể thuyết phục nhà đầu tư tin ở tương lai. Nhưng nếu không thể chứng minh cho nhà đầu tư thấy được bức tranh sáng sủa và triển vọng trong dài hạn của nền kinh tế, TTCK và các DN được đầu tư thì không thể tạo niềm tin nơi nhà đầu tư. Đây là nguyên nhân chính khiến các quỹ gần như không thể huy động được vốn mới, ít nhất là trong gần 2 năm trở lại đây.

 

Tìm một lối đi

Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) bày tỏ "không có nhiều lựa chọn cho các quỹ trong bối cảnh hiện nay".

Thực tế thì các quỹ đầu tư đang tiếp tục cầm cự để hy vọng một tín hiệu sáng sủa hơn. Nhưng đây không phải là lựa chọn được ưu tiên. Một số quỹ như Dragon Capital, SAM đã tìm những con đường mới để có thể tồn tại. Tháng 7 năm 2010, Dragon Capital ra mắt quỹ Đầu tư Phát triển sạch Mekong Brahmaputra với vốn 45 triệu USD từ  đợt huy động vốn đầu tiên. Có thể thu hút được vốn trong điều kiện các quỹ hầu như bế tắc, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc của Dragon Capital hy vọng rằng: "Việc mở rộng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, sản xuất nước sạch, xử lý nước thải, tái chế là lựa chọn đúng đắn và sẽ mang lại lợi nhuận ổn định cho Dragon Capital".

Với SAM, định hướng mới trong điều kiện thị trường tiếp tục không thuận lợi là sẽ tìm kiếm những cơ hội từ đầu tư hấp dẫn ở những ngành như y tế, năng lượng. Ngoài ra, SAM cũng dự tính đến khả năng lập ra những mô hình mới, làm trung gian bán sỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Louis Nguyễn thừa nhận, bước chuyển hướng mới có yếu tố rủi ro, không loại trừ khả năng thất bại. Vì thế, nếu các quỹ không thể thể xoay sở, khả năng đóng quỹ vẫn xảy ra. Ông Louis Nguyễn dự báo, nếu môi trường đầu tư vẫn như hiện tại, đến năm 2015, mức suy giảm dòng vốn gián tiếp tại Việt Nam có thể tới 3 - 4 tỷ USD.