Quỹ Đầu tư cổ phiếu triển vọng NTP bỏ lỡ đà tăng của VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Quỹ Đầu tư cổ phiếu triển vọng NTP (NTPPF) đã “bỏ nhỡ” đà tăng của thị trường trong quý I/2024, theo đó bị bỏ lại phía sau so với đà tăng của chỉ số VN-Index năm vừa qua.
Quỹ Đầu tư cổ phiếu triển vọng NTP bỏ lỡ đà tăng của VN-Index

Trong năm vừa qua, đa phần các quỹ mở đạt được thành quả tích cực, dù thị trường gần như đi ngang tích lũy trong năm 2024. Theo thống kê trên Fmarket.vn, nền tảng tập trung nhiều quỹ mở tại Việt Nam, có 13 quỹ cổ phiếu có mức sinh lợi lớn hơn 20% trong năm 2024 và 19 quỹ có mức lợi nhuận cao hơn VN-Index (tăng 12,11%). Trong đó, dẫn đầu là Quỹ đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) với mức tăng 34,04%.

Tuy nhiên, không phải quỹ mở nào cũng có thể chiến thắng thị trường. Trong đó, tính tới cuối năm 2024, một trong những quỹ mở có kết quả đầu tư lùi xa so với mức tăng 12,11% của chỉ số VN-Index là Quỹ Đầu tư cổ phiếu triển vọng NTP (NTPPF) do Công ty cổ phần Quản lý quỹ NTP (NTP AM) quản lý.

Quỹ Đầu tư cổ phiếu triển vọng NTP (NTPPF) đi vào hoạt động từ ngày 19/7/2022. Trong năm 2024, hiệu suất đầu tư của Quỹ là -4,58%. Luỹ kế từ khi thành lập tới nay, hiệu suất đầu tư của NTPPF là -0,98%.

Hiệu quả hoạt động của NTPPF tính tới cuối năm 2024

Hiệu quả hoạt động của NTPPF tính tới cuối năm 2024

Một điểm đáng chú ý trong hoạt động đầu tư của NTPPF trong năm 2024 là việc quỹ đưa tỷ trọng tiền mặt lên tới gần 100% vào thời điểm đầu năm.

Cụ thể, tính tới cuối tháng 1/2024, trong danh mục đầu tư của Quỹ, tiền mặt chiếm tỷ trọng 19,1%, cổ phiếu chiếm 55,5%. Trong đó, cổ phiếu FPT chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 11,1%, tiếp theo là các cổ phiếu nhóm ngân hàng VCB (8,7%), MBB (5,9%), ACB (5,7%)...

Báo cáo tháng 1/2024 của NTPPF cho biết, trong tháng 02/2024, Quỹ sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư để bắt nhịp tốt hơn với biến động của thị trường năm 2024. Các cổ phiếu cho mức sinh lời cao có thể được thực hiện chốt lời trong tháng nhằm mục đích phân bổ nguồn lực sang các cổ phiếu và nhóm ngành có kỳ vọng tăng trưởng vượt trội hơn trong năm 2024.

Theo đó, tới cuối tháng 2/2024, NTPPF đã nâng tỷ trọng tiền mặt lên 98%. Quỹ duy trì tỷ lệ tiền mặt tương đương mức này cho tới tháng 5/2024. Tính tới cuối tháng 5/2024, NTPPF đã giải ngân trở lại vào các cổ phiếu bao gồm FPT (chiếm 9% tỷ trọng danh mục đầu tư, quay trở lại đứng Top đầu danh mục), HCM (8,4%), CTG (6,5%), HPG (6,4%), CTD (5,3%)...

NTPPF cho biết, Quỹ ưu tiên giải ngân trong các nhịp điều chỉnh của thị trường để nâng tỷ trọng vào các cổ phiếu tiềm năng tại mức chiết khấu hợp lý thuộc các nhóm cổ phiếu thuộc nhóm ngành Công nghệ, Tài nguyên cơ bản, Hóa chất, Bán lẻ - Hàng tiêu dùng…

Với diễn biến này, NTPPF đã “bỏ nhỡ” đà tăng của thị trường trong quý I/2024. VN-Index khép lại năm 2024 tăng 12% so với đầu năm, qua đó đóng cửa tại 1.266,78 điểm. Trên thực tế, mức tăng trưởng hai con số của VN-Index tính từ đầu năm chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong quý I (tăng 13,6%). Với sự dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index liên tục bứt phá mạnh từ vùng 1.130, vượt 1.200 và áp sát ngưỡng 1.300 điểm. Trong 3 quý cuối năm, VN-Index chững lại rõ rệt với diễn biến sideway biên độ hẹp và thanh khoản lao dốc.

Tính tới cuối năm 2024, danh mục đầu tư của NTPPF không có nhiều thay đổi, chỉ gia tăng tỷ trọng tại một số cổ phiếu, trong đó nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu FPT lên 11,8% - đây là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của Quỹ.

Top 10 khoản đầu tư của NTPPF tính tới cuối tháng 12/2024

Top 10 khoản đầu tư của NTPPF tính tới cuối tháng 12/2024

NTPPF cho rằng, sau đợt tăng giá vào tháng 12/2024, thị trường sẽ chững lại và có thể điều chỉnh nhẹ trong tháng 1/2025 khi kỳ nghỉ Tết Âm lịch đang đến gần. Giai đoạn này thường diễn biến với thanh khoản thấp và chỉ số biến động nhẹ.

“Về chiến lược đầu tư trong tháng 1/2025, chúng tôi quan sát thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có những động thái can thiệp đến thị trường ngoại hối nếu tỷ giá tiếp tục có những diễn biến leo thang như trong tháng 12/2024, cùng với việc khối ngoại tiếp tục bán ròng và xu hướng “nghỉ Tết sớm” sau một năm thị trường chủ yếu diễn biến sideway trong biên độ hẹp sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường. Do vậy, nhiều khả năng chúng tôi sẽ không có những hoạt động cơ cấu danh mục mạnh trong tháng 1/2025 trừ phi có những diễn biến bất thường”, NTPPF cho biết.

Tin bài liên quan